Hotline: 0931 643 075      Email: ttvietnammedia@gmail.com

spot_img

V-League 2022: Nghịch lý bản quyền truyền hình

XEM NHIỀU NHẤT

spot_img

CÙNG CHUYÊN MỤC

V-League từng được coi là giải đấu hấp dẫn ở khu vực Đông Nam Á, thu hút đông đảo người hâm mộ với những khoản tiền đầu tư lớn đổ vào các câu lạc bộ, nhưng hàng chục năm qua, những nhà tổ chức vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán bản quyền truyền hình, trong khi các câu lạc bộ gần như mất trắng nguồn thu quan trọng này…

Bản quyền truyền hình V-League chưa được khai thác hiệu quả

Trong khi bản quyền truyền hình được coi là nguồn thu chính của hầu hết các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp thì ở V-League, nhiều năm liền vẫn luôn trong cảnh ế ẩm, thậm chí chịu cảnh bán rẻ như cho. Bất chấp việc V-League từng nằm trong top các giải đấu hàng đầu Đông Nam Á, thu hút hàng triệu khán giả và liên tục tăng qua mỗi mùa giải (theo con số thống kê của VPF). Cụ  thể như ở V-League 2021, dù chỉ diễn ra 12 vòng đấu và một số sân hạn chế người xem để phòng dịch, nhưng cũng đã thu hút được số lượng khán giả lên tới trên 447.200 người. Nghịch lý là ở chỗ, dù các câu lạc bộ có sự đầu tư lớn, chất lượng các trận đấu ngày càng hấp dẫn và thu hút nhiều khán giả, nhưng tiền bán bản quyền lại èo uột, chẳng đáng là bao.

Nhìn sang một số giải bóng đá chuyên nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, gần nhất là Thai League, Hiệp hội bóng đá Thái Lan (FAT) ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình trong 8 năm với giá 10 tỷ baht (tương đương 7500 tỷ đồng) thì mỗi năm, VPF chỉ thu được vài tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình, thậm chí có mùa giải phải cho không. Thật khó có thể hình dung nổi, V-League hiện tại chỉ thu được 2 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình mỗi mùa bóng theo hợp đồng có thời hạn 5 năm kéo dài tới hết mùa giải 2022. Tại Đại hội thường niên được tổ chức vào cuối năm 2021, VPF tiết lộ sau mùa bóng 2022 tiền bản quyền V-League sẽ được định giá lại và có thể tăng lên rất cao. Cụ  thể, có đối tác sẵn sàng bỏ ra vài chục tỷ đồng để sở hữu bản quyền truyền hình V-League. Nhưng đó là chuyện tương lai, còn hiện tại VPF vẫn phải “cắn răng” thực hiện cho xong hợp đồng cũ.

V-League lần đầu tiên “mặc cả” bán được bản quyền truyền hình ở mùa giải 2005, nhưng trên thực tế các câu lạc bộ vẫn phải “móc hầu bao” trả tiền mua sóng truyền hình trực tiếp các trận đấu và có khi còn phải chịu cả các khoản chi phí sản xuất chương trình tốn kém cho đài truyền hình. Mãi đến năm 2011, truyền hình An Viên (AVG) mới đứng ra ký hợp đồng mua bản quyền V-League với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) trong thời hạn 20 năm với giá chỉ có 6 tỷ đồng mỗi mùa bóng và tăng 10% cho các mùa tiếp theo. Tuy nhiên, bản hợp đồng ký với AVG chỉ có giá trị trên giấy, bởi sau khi VPF tiếp quản V-League đã xảy ra tranh chấp dẫn đến việc AVG xin rút.  

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, giá trị bản quyền truyền hình của V-League chỉ đứng sau Thai League và Liga 1 của Indonesia. Cụ thể, tiền bán bản quyền các trận đấu ở V-League không dưới 200 tỷ đồng và có thể tăng theo cấp số nhân sau từng mùa bóng nếu được khai thác hiệu quả. Thế nhưng, trên thực tế, dù các trận đấu của V-League đều được phát sóng trực tiếp trên truyền hình và các nền tảng khác, nhưng thay vì được trả “tiền tươi thóc thật” thì VPF phải tự khai thác quảng cáo. Nguồn thu của VPF càng eo hẹp trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các giải đấu bị hoãn liên tục, thậm chí phải hủy bỏ như  mùa giải 2021, dẫn đến việc không thể thực hiện các hợp đồng tài trợ. Theo công bố của VPF, doanh thu  năm 2021 chỉ khoảng 63,8 tỉ đồng, và lợi nhuận trước thuế ước tính khoảng là 863 triệu đồng, sụt giảm gần một nửa so với mùa giải trước.  

Có một nghịch lý là trong khi bản quyền truyền hình các trận đấu của đội tuyển quốc gia luôn được các đối tác săn đón với giá trị cao, đặc biệt sau thành tích ấn tượng đầu năm của hai đội tuyển bóng đá nam và nữ, thì V-League dù được coi là giải đấu hấp dẫn và có chất lượng với số lượng người hâm mộ đông đảo lại chưa được định giá và khai thác một cách hiệu quả. Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF – ông Lê Văn Thành khẳng định, bản quyền truyền hình là nguồn thu chủ yếu với các câu lạc bộ và hy vọng với chiến lược và cách tiếp cận, khai thác hiệu quả, các câu lạc bộ sẽ có nguồn thu lớn hơn từ bản quyền truyền hình. Bên cạnh đó, để cải thiện hình ảnh và nâng tầm giá trị giải đấu, VPF và các câu lạc bộ cũng cần phải có sự đầu tư tương xứng.

Việt Hưng

Nguồn: thethaovietnamplus.vn

spot_imgspot_img
spot_img

MỚI NHẤT

spot_img