Võ sư Trần Việt – Trưởng Võ phái “Đông Đô Việt Võ Quyền” tác phong giản dị, tính cách trẻ trung, nhân hậu. Hẳn mọi người sẽ khá bất ngờ khi có dịp gặp gỡ vị võ sư đất Thăng Long này. Ông rất đam mê và tâm huyết với môn võ cổ truyền dân tộc bằng “kho” các bài thiệu cổ kim.
Sự hiểu sâu, biết rộng về “chuyện làng võ” từ Bắc chí Nam, từ môn phái Sơn Long quyên thuật của Lão võ sư Nguyễn Đức Mộc người Bắc Ninh sang Pháp từ năm 1939 và xây dựng thành công việc truyền bá võ cổ truyền Việt Nam không chỉ ở Pháp, mà đã truyền lan ra nhiều nước Tây Âu, các nước vùng Bắc Phi. Việc các năm qua Võ sư Trần Việt được mời sang giảng dạy, huấn luyện võ cổ truyền Việt Nam ở châu Âu do trực tiếp Chủ tịch FIIV Olive Barbey mời đến Võ đường từng nước truyền dạy cho học sinh, sinh viên, thanh niên bản địa tập võ cổ truyền Việt Nam, đủ nói lên cái tâm, cái tầm và sự am hiểu nền văn hóa võ học Việt Nam của Võ sư Trưởng môn phái Đông Đô Việt Võ Quyền Hà Nội Trần Việt.
Cậu bé Trần Việt chào đời năm 1972 ở một doanh trại quân đội vì mẹ anh là người lính trong những ngày Hà Nội mưa bom bão đạn do đế quốc Mỹ gât ra. Việt sinh ra bị thiếu tháng, thể trạng yếu ớt, còi cọc, đó cũng là một trong những duyên cớ đưa anh đến với võ dân tộc.
Thuở nhỏ, với sở thích đọc sách lịch sử, thích tìm hiểu về các anh hùng dân tộc, nên đã hun đúc trong Việt lòng đam mê võ cổ truyền. Anh không chỉ ham tập luyện mà còn say mê mò mẫm tới các lò vật võ, các môn phái ở nhiều thôn làng khắp nội ngoại thành Thủ đô.
Hồi đó, gia đình anh là bộ đội, điều kiện kinh tế còn rất hạn chế. Việt muốn đi học võ cũng không có kinh phí mà theo học. Phần khác nữa là sự ngăn cản của gia đình, nên anh đành phải ngậm ngùi gác lại niềm đam mê của bản thân một thời gian.
Võ sư Trần Việt tâm sự, có những lúc, những ngày đã liều giấu bố mẹ đi mua sách võ về tự học. Và cuối cùng cái duyên với võ cổ truyền đã đến với Việt khi anh bước vào tuổi 15. Lần đó, một người bạn của bố mẹ anh đến chơi, đó chính là võ sư Thanh Lê – người thầy đầu tiên của anh sau này đã nhiệt tình đưa anh đến với võ cổ truyền. Sau khi ông võ sư Thanh Lê hỏi chuyện và thấy anh rất có tố chất của con nhà võ, võ sư Thanh Lê đã động viên xin bố mẹ Việt cho anh đi tập và ông đã thu nhận anh làm học trò.
Võ sư Thanh Lê sinh năm 1953, xuất thân là lính đặc công nước rất giỏi võ thuật. Tuổi trẻ của ông cũng đã từng thọ giáo một số võ sư gắn bó với nghiệp võ dân tộc để công tác rèn luyện chiến sĩ phục vụ nhiệm vụ chiến đấu hồi chống Mỹ ở miền Nam. Không những thế, khi Trần Việt đặt chân vào làng võ cổ truyền thì anh ngộ ra rằng “Võ học dân tộc ta” vô cùng phong phú, đa dạng, đậm sắc màu văn hóa làng quê Việt. Nhiều môn phái võ thuật cổ truyền như: Thiếu Lâm Nam Phái, Nam Hồng Sơn, Sơn Long Quyền Thuật, Sơn Đông Không Động, Võ Bình Định… mà quân đội, công an cũng đã nghiên cứu vận dụng trong quá trình rèn luyện sức khỏe cho chiến sĩ. Võ sư Thanh lê có nhiều kiến thức, kinh nghiệm huấn luyện, truyền dạy cho các môn sinh, võ sinh đi chuyên sâu vào từng lò võ, môn phái võ võ thuật cổ truyền.
Với sự dìu dắt của võ sư Thanh Lê cộng với niềm đam mê, tâm huyết của bản thân, Trần Việt tiến bộ khá nhanh. Anh cũng còn đi sâu tìm hiểu, nghiền ngẫm đặc thù từng bài võ, từng môn phái. Năm 1992, được sự tin tưởng của thầy, Trần Việt đã được giao nhiệm vụ trợ giảng và đứng lớp huấn luyện cho hàng trăm võ sinh tại các câu lạc bộ võ thuật. Và, cũng từ những năm đầu thập niên 90 ấy, võ sư Trần Việt hăng hái, hồ hơi có mặt tại các võ đường nội ngoại thành Thủ đô để mong muốn nhân rộng phát triển phong trào võ thuật cổ truyền trong thanh thiếu niên Hà Nội, ở các câu lạc bộ Người cao tuổi, trường học và một số đơn vị lực lượng vũ trang…
Quá trình làm việc và xông xáo trong không gian võ thuật, Trần Việt hay được đến các cơ sở, may mắn tiếp súc, gặp gỡ nhiều võ giỏi, võ sư danh tài và được các thầy truyền thụ lại các tinh hoa võ thuật đặc sắc từng vùng miền, môn phái. Sau khi võ sư Thành Lê lập “Võ đường Thành Lê” trực thuộc Hội Võ thuật Hà Nội, võ sư đã đưa anh về võ đường cùng tham gia giảng dạy, huấn luyện võ thuật với ước mong phát triển phong trào võ thuật cổ truyền trên đất Thủ đô vừa mạnh mẽ, vừa rộng khắp ra các quận, huyện.
Sau thắng lợi ở SEA Games năm 2003 tổ chức tại Việt Nam, cũng như các môn thể thao khác, đặc biệt là các môn võ, kể cả võ cổ truyền được quan tâm đặc biệt, đến năm 2005 do việc cá nhân, võ sư Thanh Lê đã bàn giao cho võ sư Trần Việt quản lý và phát triển Võ đường Thanh Lê.
Với niềm đam mê và tâm huyết của một thanh niên yêu võ thuật dân tộc, Võ đường Thanh Lê không ngừng phát triển và nâng cao công tác huấn luyện, đào tạo môn sinh. Thời gian chỉ trong ít năm cuối thập niên đầu tiên của Thiên niên kỷ thứ III, Võ đường Thanh Lê đã góp phần đào tạo được khá nhiều hế hệ võ sư trẻ, nhiều huấn uyện viên võ thuật đẳng cấp. Một số câu lạc bộ võ học có thời gian thu hút rất đông võ sinh đến học và tập luyện, mang lại nhiều lợi ích và không khí vui hân hoan lan tỏa ra cộng đồng dân cư.
Đến năm 2010 với nỗ lực, tâm huyết và sự phát triển như vậy, Hội Võ thuật Hà Nội đã quyết định đổi tên và nâng cấp Võ đường Thanh Lê thành Võ phái Đông Đô Việt Võ Quyền và võ sư Trần Việt chính thức trở thành Trưởng Võ phái.
Với tầm nhìn và cái tâm minh sáng của Trưởng Võ phái – võ sư Trần Việt đã đóng góp đáng kể cho “làng võ thuật Thủ đô”. Hơn 10 năm võ thuật cổ truyền dân tộc đất Hà Thành ngoài việc mang lại giá trị lợi ích sức khỏe cho cộng đồng thì võ thuật cổ truyền còn mang cả giá trị tinh hóa văn hóa của nền võ học Việt Nam đến với giới trẻ, thanh niên, sinh viên nhiều nước trên thế giới với ấn tượng sâu sắc “Võ học Việt Nam” trong con mắt của người nước ngoài, mang nhiều điều tốt đẹp đến với cuộc sống của chúng ta ngày nay.
Vũ Hòa
Nguồn: thethaovietnamplus.vn