Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, từ thời Vua Lý Công Uẩn định đô ở Thăng Long đã chú trọng phát triển võ cổ truyền để luyện binh. Cũng trước đó nghìn năm, ở đất Mê Linh đã biết lấy võ để tập hợp quần chúng, tập hợp trai tráng dưới lá cờ đại nghĩa của Hai Bà Trưng đứng lên đánh đuổi giặc phương Bắc xâm lược. Đất Thăng Long mấy nghìn năm qua không khi nào không chú trọng phát triển môn võ vật trước để có sức khỏe, sau là tập hợp đoàn kết cùng nhau chống giặc ngoại xâm.
Truyền thống võ cổ truyền Thăng Long
Nói về bộ môn võ thuật cổ truyền Hà Nội chuẩn bị gì cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) diễn ra vào tháng 5 sắp tới, Đại võ sư Lê Ngọc Quang lặng đi ít lâu rồi ông hào hứng kể: Mới đấy đã 20 năm. SEA Games lần thứ 23 năm 2002, đoàn Thể thao Việt Nam giành vị trí số 1 trên Bảng tổng sắp huy chương của Đại hội với 158 huy chương vàng. Bộ môn võ thuật cả nước nói chung, “làng võ Thủ đô” nói riêng cũng đã có đóng góp đáng kể.
Đại võ sư Lê Ngọc Quang nhắc đến các lò vật võ nội ngoại thành Hà Nội 20 năm qua đã hoạt động thế nào, đã phát triển được thêm các thế mạnh gì. Trên cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Việt Nam kiêm Tổng Thư ký Hội Võ thuật Hà Nội, vị Đại võ sư quốc tế đưa chúng tôi “du lịch nhanh” qua một số lò vật võ cổ truyền nội ngoại thành.
Người lính Cụ Hồ Lê Ngọc Quang từng có mặt ở chiến trường Tây Nam đất nước. Thời gian ấy với tư cách người lính nhưng hàng ngày ông rất chăm chỉ ôn luyện võ thuật. Đơn vị có không ít người ngạc nhiên về sự tự tập luyện ấy của chàng lính trẻ. Thế là Ngọc Quang được cấp trên điều về đơn vị tại Sơn Tây tham gia công tác huấn luyện cho các chiến sĩ đặc biệt trước khi vào chiến trường.
Cuối năm 80 của thế kỷ trước, dưới sự chỉ đạo của Ngành Thể dục thể thao, môn võ thuật cổ truyền được đặc biệt coi trọng. Các lò vật võ cổ truyền như Mai Động (huyện Thanh Trì), Lò võ Phù Đổng (huyện Gia Lâm), lò vật võ Cổ Loa (Đông Anh), Mê Linh (huyện Mê Linh) cùng nhiều lò võ vật cổ truyền nổi tiếng khác không chỉ riêng Hà Nội mà cả nước ngưỡng mộ. Đó là các lò vật võ vùng Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Thanh Oai, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng… Ngay trong nội thành, phong trào tập võ cổ truyền, luyện võ phát triển khá mạnh mẽ suốt từ khi giải phóng Thủ đô cuối năm 1954 đến ngày nay đã gần 70 năm.
Sức sống của phong trào võ cổ truyền Thủ đô lúc nào cũng tưng bừng, sôi động. Thời gian qua, các sân đình, sân chùa như: Đền Hai Bà Trưng (Hai Bà Trưng), đền Quan Thánh (Ba Đình), sân Chùa Láng (Đống Đa), sân Tượng đài Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm), sân Đền Gióng (Sóc Sơn), sân đình Phù Đổng (Gia Lâm), sân Đền Sái (Đông Anh)… thu hút mỗi tối, các tuần có hàng vạn lượt môn sinh, võ sinh hăm hở đến luyện tập rất say mê.
Cũng như nhiều võ sư danh tiếng khác, trong các năm 80-90 thế kỷ trước, 20 năm gần đây Đại Võ sư Lê Ngọc Quang luôn cảm thấy thiếu thời gian để đi huấn luyện, truyền dạy kỹ thuật cho võ sinh ở hàng chục câu lạc bộ Võ cổ truyền ở khắp nội ngoại thành Hà Nội.
Tình cảm dành cho Võ thuật cổ truyền Thủ đô
Ở tuổi ngoại lục tuần, Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang đã có thời gian dài gắn bó với môn võ thuật cổ truyền Hà Nội. Làng võ cổ truyền hay kể về võ sư Quang đến với võ thuật từ lúc 11 tuổi. Hồi ấy, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, đánh phá Hà Nội, tình cờ Lê Ngọc Quang được găp Lão võ sư Cả Nhẫm và cậu thiếu niên Ngọc Quang ngày đó đã được vị Lão sư thu nạp chỉ dẫn.
Hồi ấy, người ta chỉ dùng từ “Võ ta, võ Tàu”, môn sinh Quang đến với thầy Cả Nhẫm học “võ ta” và quả nhiên vị võ sư ấy đã dẫn dắt cậu bé Ngọc Quang đến tập luyện rất chăm chỉ. Cậu miệt mài tập luyện không kể mưa năng, có lúc thầy khuyên anh nên “Tập vừa phải”. Lê Ngọc Quang tận tâm tìm hiểu, nghe, ghi chép rất cẩn thận. Không chỉ tu luyện, anh cùng mấy bạn yêu võ khác mổ xẻ đi sâu từng thế đánh, bài đánh cực kỳ chi tiết, chuẩn xác. Với tinh thần ham học hỏi đó, sau này Ngọc Quang đã mang ra phụng sự cho nền võ học cổ truyền và cho làng võ Thủ đô phát triển không ngừng liên tục mấy chục năm qua.
Vào những năm 80, khi các môn võ nước ngoài như: Taekwondo, Pencak Silat, Judo, Wushu… lan đến các võ đường nhiều quận huyện, võ sư Nguyễn Ngọc Quang nghiền ngẫm cùng các đồng nghiệp, các võ sư trao đổi, tìm ra cái hay của dòng võ ngoại ấy để tiếp thu nâng cao tính chiến đấu, kỹ năng kỹ thuật điêu luyện của các dòng võ này. Võ sư Nguyễn Ngọc Quang học “để hòa nhập” nhằm bồi bổ cho một số miếng đánh, thế đánh, cách ra đòn điêu luyện của võ thuật cổ truyền dân tộc. Chính vì vậy, có thời gian dài, võ sư Quang đã được mời huấn luyện một số đơn vị làm công tác đặc biệt của lực lượng vũ trang trong tình hình mới. Tại đây, võ sư Quang không chỉ tham gia công tác huấn luyện cho chiến sĩ mà ông còn có điều kiện tiếp thu một số kỹ thuật võ chuyên dụng riêng của quân đội để huấn luyện cho bộ đội trong công tác chiến đấu tạo nên sự uy dũng của riêng võ thuật cổ truyền dành cho lực lượng vũ trang đã và đang sẵn sàng chiến đấu cao.
Với sự đóng góp đặc biệt đó, Đại hội Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nhiệm kỳ IV đã bầu Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang giữ chức Phó Chủ tịch cho tới nay (nhiệm kỳ V). Từ năm 1989, Võ sư Quang được sự chấp thuận của Hội Võ thuật Thủ đô, được công nhận là Chủ nhiệm “Võ phái Võ thuật tổng hợp” có 9 câu lạc bộ, võ đường với hàng ngàn võ sinh đang sinh hoạt, tập luyện hàng ngày, hàng tuần, đã tạo nên không khí tưng bừng của làng võ cổ truyền Hà Nội phát triển mạnh mẽ khắp nội ngoại thành. Mùa xuân này, người Hà Nội có đến các hội làng xem chương trình võ cổ truyền sẽ thấy sự uyển chuyển nhanh nhẹ, quyền cước mạch lạc dứt khoát không kém phần tinh anh với những miếng đánh cùng lối ra đòn thế hiểm hóc rất điêu luyện.
Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang đã và đang đào tạo ra được hàng trăm huấn luyện viên cùng nhiều môn sinh cho lớp kế cận sau này nhằm phát triển phong trào võ thuật cổ truyền dân tộc ở Thủ đô. Phần thưởng mà các môn sinh dành cho vị Đại võ sư quốc tế này chính là niềm tin yêu, sự ngưỡng mộ và kính trọng của làng võ Thủ đô. Ông luôn là chỗ dựa vững chắc cho thế hệ trẻ noi theo cùng tâm huyết xây dựng phát triển võ thuật cổ truyền vươn xa đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Vũ Hòa
Nguồn: thethaovietnamplus.vn