Thế vận hội mùa Đông 2022 là cơ hội để nước chủ nhà Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực về cải thiện môi trường. Dù chất lượng không khí của Trung Quốc đã được cải thiện kể từ khi giành quyền đăng cai nhưng nguy cơ khói bụi vào mùa đông vẫn là vấn đề đáng lo ngại.
Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết, thành phố Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc sẽ được hướng dẫn áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường hợp lý theo quy định của pháp luật. Bộ này cũng bác bỏ những thông tin cho rằng, các ngành Công nghiệp nặng gây ô nhiễm trong khu vực sẽ bị đóng cửa từ ngày 1/1/2022.
Năm 2015, khi Trung Quốc giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa Đông 2022, các chuyên gia đã cảnh báo, sự kiện thể thao này có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng khói bụi xuất phát từ ngành công nghiệp nặng trong khu vực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó tuyên bố, sẽ tổ chức một kỳ Thế vận hội “xanh” và Hà Bắc sẽ chuyển đổi, nâng cấp nền kinh tế công nghiệp tại tỉnh này.
Kể từ đó, Trung Quốc đã trồng hàng nghìn hecta cây xanh ở Bắc Kinh và các vùng lân cận Hà Bắc, xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời và gió, đồng thời di dời hàng trăm doanh nghiệp.
Năm 2016, nồng độ trung bình của bụi mịn PM2.5 ở khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc là 71 microgam/m3 và tăng vọt lên hơn 500 microgam/m3 vào mùa đông. Giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2021, nồng độ này đã giảm mạnh, trung bình ở mức 40 microgam/m3. Theo kết quả đo đạc, nồng độ bụi mịn tại Bắc Kinh trong 3 quý đầu năm đáp ứng tiêu chuẩn 35 microgam/m3 của Trung Quốc nhưng có khả năng tăng cao hơn trong mùa đông.
Giới chức Trung Quốc cho biết, toàn bộ 26 địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh và Hà Bắc sẽ được cung cấp 100% năng lượng tái tạo. Hơn 700 phương tiện chạy bằng nhiên liệu hydro cũng sẽ được triển khai.
Các công tác chuẩn bị khác bao gồm chương trình trồng cây xanh giúp tăng độ che phủ rừng ở Trương Gia Khẩu lên 70% đến 80%, tăng từ mức 56% trước đây.
Sự khan hiếm nước cũng là vấn đề đáng quan tâm do liên quan đến việc tạo ra băng tuyết nhân tạo. Phía Ban Tổ chức thông báo, Thế vận hội mùa Đông 2022 sẽ không gây thêm áp lực lên nguồn cung cấp nước tại địa phương mà sẽ dựa vào các bồn chứa thu thập nước trên núi và nước từ lượng mưa trong mùa hè.
Điều này phù hợp với nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra một nền “kinh tế vòng tròn”, trong đó các nguồn tài nguyên được sử dụng và tái chế đầy đủ.
Ngoài ra, nhân dịp Thế vận hội mùa Đông 2022, Ban Tổ chức Thế vận hội dự kiến sẽ giới thiệu các dự án trồng cây xanh, như một biện pháp giới thiệu thành tựu bảo vệ môi trường của Trung Quốc. Theo ông Dương Kiến Trung – Kỹ sư trưởng của Cơ quan Lâm nghiệp huyện Sùng Lễ – cho biết, kể từ năm 2016, huyện Sùng Lễ đã hoàn thành tổng cộng gần 1,2 triệu hecta các dự án trồng rừng khác nhau và tỷ lệ che phủ rừng đã tăng từ 53% vào cuối năm 2015 lên 67%. Tỷ lệ che phủ của cây xanh trong khu vực lõi của Thế vận hội đã vượt hơn 80%.
P.V
Nguồn: thethaovietnamplus.vn