Theo Đề án đăng cai và tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 trong năm 2021 mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đệ trình lên Chính phủ, kỳ Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 sẽ được tổ chức ngay sau khi SEA Games 31 kết thúc với chương trình thi đấu gồm 11 môn.
Tuy nhiên, những ngày qua, giới thể thao người khuyết tật xôn xao trước thông tin Para Games 11 có thể sẽ không được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2022 như kế hoạch. Điều này khiến các vận động viên thể thao khuyết tật rất buồn.
Tại Paralympic Tokyo 2020, thể thao người khuyết tật Việt Nam giành 1 huy chương bạc do công của lực sỹ Lê Văn Công
Theo thông lệ, quốc gia chủ nhà của SEA Games cũng sẽ là quốc gia chủ nhà của Para Games. Năm 2003, khi lần đầu tiên Việt Nam đăng cai SEA Games 22 thì Para Games 2 cũng được tổ chức ngay sau khi SEA Games kết thúc.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ Đề án đăng cai và tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 tại Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đã đăng cai cả 2 Đại hội này để tổ chức vào năm 2021.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, SEA Games 31 đã không thể tổ chức vào tháng 11/2021 như kế hoạch. Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xin Chính phủ lùi SEA Games sang năm 2022 và dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 5.
Trong tình hình khó khăn chung, nguồn kinh phí cũng như công tác tổ chức khá cập rập. Bên cạnh việc chuẩn bị lực lượng thi đấu hết sức bị động suốt 2 năm qua, SEA Games là vấn đề nan giải nên nhiều khả năng Para Games 11 sẽ không thể được tổ chức.
Được biết, ngày 11/10, Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xin phép Chính phủ không tổ chức Para Games 11 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến quá trình tổ chức gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, lịch thi đấu các Đại hội Thể thao của châu Á trong năm 2022 đã kín. Dù vậy, quyết định cuối cùng vẫn đang phải chờ văn bản chính thức của Chính phủ.
Nếu Việt Nam không tổ chức Para Games 11 sẽ là thiệt thòi cho các vận động viên khuyết tật bởi gần 4 năm qua đã không được tham dự Para Games bởi Philippines trước đó cũng hủy Đại hội
Mặc dù, quyết định cuối cùng còn đang chờ ý kiến phản hồi chính thức từ Chính phủ, thế nhưng lực lượng vận động viên thể thao khuyết tật không khỏi âu lo dù rất thấu hiểu và cảm thông với tình hình khó khăn chung của đất nước sau đại dịch. Nếu Para Games 11 không thể diễn ra, vận động viên người khuyết tật sẽ rất thiệt thòi khi tập luyện suốt gần 4 năm qua nhưng không có được cơ hội thi đấu. Với đại bộ phận vận động viên khuyết tật, thành tích thi đấu chính cải thiện đời sống vốn rất khó khăn của mình.
Đó là lý do cộng đồng người khuyết tật Việt Nam đã viết thỉnh nguyện thư, quyết tâm vận động đủ 100.000 chữ ký từ chính lực lượng vận động viên khuyết tật lẫn những người quan tâm đến phong trào, thể hiện sự ủng hộ đối với việc tổ chức Para Games 11 để trình Thủ tướng, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng Tổng cục Thể dục thể thao xem xét.
Thỉnh nguyện thư nêu rõ: “ASEAN Para Games là sự kiện thể thao nhân văn cho người khuyết tật gắn liền với SEA Games nhằm hướng đến một xã hội văn minh, thân thiện và công bằng cho tất cả mọi người. Tại Olympic và Paralympic Tokyo 2020, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã mang về tấm huy chương bạc danh giá do công của lực sĩ khuyết tật Lê Văn Công. Para Games ngoài ý nghĩa một sự kiện thể thao còn thể hiện mục tiêu, khát vọng chứng minh giá trị và sự hữu ích của người khuyết tật trong cộng đồng, rất cần được xã hội ủng hộ”.
Nếu Việt Nam từ chối tổ chức Para Games 11 sẽ là thiệt thòi cho các vận động viên khuyết tật. Thực tế các vận động viên khuyết tật gần 4 năm qua đã không được tham dự Para Games bởi Philippines trước đó cũng hủy Đại hội vào đầu năm 2020 vì dịch COVID-19. Với các vận động viên khuyết tật, việc được tập luyện, thi đấu, có thành tích sẽ giúp họ cải thiện đời sống khó khăn của mình. Thông tin việc Para Games 11 có thể không được tổ chức tại Việt Nam khiến những người làm thể thao người khuyết tật rất buồn.
P.V
Nguồn: thethaovietnamplus.vn