Hotline: 0931 643 075      Email: ttvietnammedia@gmail.com

spot_img

Việt Nam giành thêm 1 huy chương bạc tại giải Vô địch Jiu-Jitsu thế giới

XEM NHIỀU NHẤT

spot_img

CÙNG CHUYÊN MỤC

Sau khi giành 1 huy chương vàng trong ngày thi đấu đầu tiên, các võ sỹ Việt Nam tiếp tục mang về 1 huy chương bạc ở nội dung biểu diễn Duo Show trong khuôn khổ giải Vô địch Jiu-Jitsu thế giới do Liên đoàn Jiu-Jitsu quốc tế (JJIF) tổ chức tại UAE.

Trong ngày thi đấu 6/11 đội tuyển Việt Nam bước vào 3 nội dung thi đấu gồm Duo Show (biểu diễn) nam – nữ và đôi nữ, cùng với đó, nữ võ sĩ Dương Thị Thanh Minh thượng đài ở sàn Fighting hạng dưới 52kg. 

Mở màn ngày thi đấu cho đoàn Việt Nam ở nội dung Duo Show Mixed (biểu diễn đôi nam – nữ), hai vận động viên Trịnh Kế Dương và Đặng Thị Huyền dự thi cùng với các đối thủ từ Romani. Hai võ sĩ đoàn Việt Nam thực hiện các nội dung tự vệ tay không chống tay không, dao ngắn và gậy ngắn. 

Sau khi giành huy chương vàng trong ngày thi đấu đầu tiên, Đặng Thị Huyền cùng Trịnh Kế Dương giành huy chương bạc nội dung biểu diễn đôi nam – nữ

Sau khi phần thi kết thúc, bộ đôi Trịnh Kế Dương và Đặng Thị Huyền nhận số điểm lần lượt ở hai phần kĩ thuật (Techniques: 6,5-6,5-6) và trình diễn (Show: 6,7 – 7 – 5) từ ba giám khảo, tổng điểm 37,5 nhận huy chương bạc. Trong khi đó, hai vận động viên người Romani là Iatan Georgiana và Mihaila Gabriel Nicole lần lượt nhận số điểm (Techniques: 6,5-6-6) và (Show: 6,5-6,5-6,5) với tổng điểm 38 giành huy chương vàng.

Là võ sĩ duy nhất tham gia thi đấu nội dung Fighting, nhà vô địch Châu Á – Dương Thị Thanh Minh gặp khó ngay ở trận đầu tiên khi đụng độ đối thủ Lixandru Ramona từ Romani. 

Chênh lệch chiều cao đáng kể khiến Thanh Minh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt cô bị mất nhiều điểm waza-ari và ippon ở phần đánh đứng. 

Dù đã nỗ lực tìm kiếm bàn gỡ bằng phần khóa siết, với một tình huống đè đối thủ lấy ippon và 2 tình huống đánh ngã, Dương Thị Thanh Minh lại không thể có được điểm ippon cuối cùng trong phần đánh đứng. Kết thúc trận đấu, nữ võ sĩ để thua với tỉ số 7 (1 waza-ari, 2 ippon) – 17 (7 waza-ari, 5 ippon).

Trong trận đấu vòng tranh huy chương đồng, nữ võ sĩ tiếp tục gặp bất lợi tương tự trước võ sĩ Di Blas Claudia (Italia). Đối thủ của Thanh Minh ghi liên tiếp 8 điểm waza-ari và 6 điểm ippon đánh đứng, đạt 20 điểm kĩ thuật và giành chiến thắng. Nữ võ sĩ của Việt Nam chỉ kịp ghi 2 điểm waza-ari và 1 đòn vật ippon. Trận đấu kết thúc ở 2 phút 19 giây, Dương Thị Thanh Minh dừng bước tại nội dung Fighting. 

Kết quả các trận đấu nội dung Fighting của Dương Thị Thanh Minh không quá bất ngờ, bởi đây vốn không phải nội dung sở trường của cô. Nữ võ sĩ sẽ đặt mục tiêu chính vào nội dung khóa siết (Newaza) sẽ diễn ra ở các ngày thi đấu cuối.

Ở nội dung còn lại của ngày thi đấu, Tài Thị Hậu và Hoàng Thị Hoài cũng sớm dừng bước trong các phần biểu diễn Duo Show đôi nữ. Khép lại ngày thi đấu thứ 3 của giải, đoàn Việt Nam tạm giữ vị trí thứ 15 với 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc.

Với nhiều khán giả, nội dung Fighting của môn võ Jiu-Jitsu có thể vẫn còn khá lạ lẫm bởi khi nhắc tới bộ môn này, ta thường chỉ nghĩ đến đặc trưng của các kĩ thuật vật, khóa siết (hay còn gọi là Newaza). Tuy nhiên, Newaza chỉ là một trong nhiều nội dung thi đấu được Liên đoàn Jujitsu Quốc tế (JJIF) ban hành.

Trái với Newaza chỉ tập trung vào các kĩ thuật vật – khóa siết, các võ sĩ thi đấu Fighting sẽ được sử dụng các kĩ thuật đấm – đá có sử dụng găng và giáp chân bảo hộ. 

Nhắc tới việc sử dụng các kĩ thuật đấm – đá kết hợp vật – khóa siết, có thể nhiều khán giả sẽ hình dung Fighting Jujitsu có hình thức thi đấu giống với võ tổng hợp (MMA). Nhưng với mục tiêu yêu cầu võ sĩ phải đạt được tính toàn diện trong quá trình thi đấu, nội dung Fighting chia các nhóm kĩ thuật ra làm 3 phần chính: đấm và đá; quật và đánh ngã và kỹ thuật dưới thảm, khóa và siết

Trong đó, điểm đặc trưng nhất của Fighting là việc võ sĩ bắt buộc phải thực hiện tuần tự các nhóm kĩ thuật từ (1) sang (2) rồi kết thúc ở phần (3). Trong đó, ở Phần 1, các vùng tấn công hợp lệ bao gồm đầu, mặt, cổ, bụng, ngực, lưng và bên sườn. Với mỗi đòn tấn công hiệu quả không bị đánh chặn, võ sĩ sẽ được tính Ippon (2 điểm), ngược lại nếu trúng đích nhưng bị chặn một phần sẽ được tính điểm Waza-ari (1 điểm). 

Tương tự, khi sang Phần 2, các đòn quật ngã hoàn chỉnh – siết đối thủ tuyệt đối sẽ được thêm một điểm Ippon. Nếu đòn đánh ngã bị đối phương cản lại một phần sẽ được điểm Waza-ari. 

Sang Phần 3, ngoài điểm đánh ngã và khóa siết, các võ sĩ có thể đạt điểm Ippon khi thực hiện được các kĩ thuật đè (Osae-komi) từ 15 giây trở lên hoặc khiến đối thủ đập tay xin hàng/không thể phản kháng.

Nếu một võ sĩ giành được cả 3 điểm Ippon ở 3 phần khác nhau, võ sĩ đó có thể giành được chiến thắng nhờ điểm tuyệt đối – Full Ippon, đây cũng là cách thức giành chiến thắng của nữ võ sĩ Đặng Thị Huyền trong các trận đấu ở hạng cân dưới 48kg ngày hôm qua. Trái lại, nếu một võ sĩ không thể giành được điểm Ippon ở đầy đủ các phần, điểm số sẽ được cộng và so sánh ở cuối trận đấu để chọn ra người chiến thắng. 

Dựa trên luật thi đấu, có thể thấy nội dung Fighting yêu cầu các võ sĩ cần có sự toàn diện với khả năng lấy điểm ở cả 3 nhóm kĩ thuật, thay vì chỉ tập trung vào các đòn khóa siết hay đấm đá đơn thuần. Năm 2021, Liên đoàn Jiu-Jitsu Việt Nam cũng đã đưa nội dung Fighting, cùng với nội dung biểu diễn Duo Show vào chương trình thi đấu tại giải vô địch Jiu-Jitsu quốc gia diễn ra tại Đà Nẵng hồi tháng 4 vừa qua.

P.L

Nguồn: thethaovietnamplus.vn

spot_imgspot_img
spot_img

MỚI NHẤT

spot_img