Ba vòng đấu đầu tiên, V-League đều có các trận đấu bị hoãn vì COVID-19. Điểm chung của các trận đấu này xuất phát từ nguyên nhân các đội bóng đều không còn thủ môn để đăng ký…
V.League 2022 thu hút đông đảo khán giả. Ảnh Nguyễn Quang Minh
Theo quy định của Ban Tổ chức giải, trong mỗi trận đấu, các câu lạc bộ được phép đăng ký tối đa 20 cầu thủ, trong đó bao gồm: 11 cầu thủ chính thức (trong đó có 1 thủ môn) và 9 cầu thủ dự bị (trong đó có tối thiểu 1 thủ môn). Đến ngày diễn ra trận đấu, nếu câu lạc bộ không đảm bảo đủ số lượng cầu thủ tối thiểu đăng ký tham gia trận đấu là 14 cầu thủ, gồm 11 cầu thủ chính thức và tối thiểu 03 cầu thủ dự bị trong đó có thủ môn, vì lý do bị nhiễm COVID-19 thì trận đấu sẽ phải tạm hoãn. Một ngày trước khi trận đấu diễn ra, cả đội chủ nhà lẫn đội khách đều phải xét nghiệm COVID-19 và chỉ có những thành viên có kết quả âm tính mới được tham gia trận đấu.
Đối với các câu lạc bộ, việc đăng ký cầu thủ thi đấu không đơn thuần chỉ là số lượng nhiều hay ít mà cái chính vẫn phải nhìn vào chất lượng đội hình. Trên thực tế, không ít đội bóng ở V.League vẫn phải ra sân với đội hình chắp vá khi có nhiều cầu thủ nhiễm COVID-19. Thậm chí, một số đội bóng còn ra sân mà không có cả huấn luyện viên như Bình Định, Hoàng Anh Gia Lai… Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát ở nhiều địa phương, việc các đội bóng có cầu thủ nhiễm COVID-19 đã trở nên phổ biến. Cá biệt như câu lạc bộ Hà Nội FC còn chưa thể ra sân, dù V-League 2022 đã trải qua 3 vòng đấu.
Hồi đầu mùa giải, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã ban hành công văn hướng dẫn và đưa ra nhiều phương án với những kịch bản để ứng phó với COVID-19, nhưng đến thời điểm hiện tại nhiều quy định đã không còn thích hợp cần được bổ sung, cập nhật thường xuyên cho sát với tình hình thực tế. Chẳng hạn như trường hợp các đội bóng tự liên hệ xét nghiệm COVID-19 thì kết quả có được công nhận. Không ít người hoài nghi việc COVID-19 dường như chỉ nhắm vào các thủ môn khiến trận đấu bị hủy. Cũng không loại trừ khả năng các đội bóng không có đủ đội hình mạnh nhất nên lấy lý do hết sạch thủ môn để trì hoãn việc ra sân thi đấu.
Với Ban Tổ chức giải, việc nhiều trận đấu bị hoãn lại chắc chắn sẽ gây thêm khó khăn khi phải liên tục điều chỉnh lịch thi đấu. Chưa kể việc hoãn trận đấu cũng sẽ ảnh hưởng đến các câu lạc bộ khác. Một khi COVID-19 đã trở nên phổ biến và coi việc phòng chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu thậm chí quyết định sự thành bại của các câu lạc bộ, Ban tổ chức giải cũng cần phải tính tới phương án, xử thua các câu lạc bộ nếu không có đủ cầu thủ đăng ký tham dự trận đấu như thông lệ quốc tế để không gây ảnh hưởng tới các đội bóng khác.
Xác định sống chung với dịch bệnh, nên cũng cần có nhiều kịch bản để chủ động ứng phó. Trong bối cảnh hầu hết các câu lạc bộ đều có cầu thủ, huấn luyện viên bị nhiễm COVID-19, chuyện các trọng tài bị lây nhiễm cũng chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn mà thôi. Các đội bóng vẫn có thể ra sân khi thiếu vứng một vài cầu thủ hay cả huấn luyện viên, nhưng nếu thiếu trọng tài thì sao? Trưởng Ban Trọng tài của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) từng cảnh báo, nếu cả tổ trọng tài bị nhiễm COVID-19 thì sẽ không còn đủ trọng tài để phân công làm nhiệm vụ.
Sau vòng đấu thứ 4 diễn ra cuối tuần này, V.League 2022 sẽ bước vào quãng nghỉ kéo dài 4 tháng. Đây chính là cơ hội để Ban Tổ chức giải và các câu lạc bộ có những điều chỉnh để có phương án tốt nhất thích ứng với tình hình mới. Dĩ nhiên, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức và cả những rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh, đòi hỏi phải có sự chủ động với những kịch bản ứng phó phù hợp để mùa giải diễn ra trọn vẹn.
Việt Hưng
Nguồn: thethaovietnamplus.vn