Những năm gần đây, các cấp chính quyền và đoàn thể của nhiều địa phương trên cả nước đã làm tốt vai trò chỉ đạo việc huy động sức dân, các tổ chức xã hội vào công tác xã hội hóa (XHH) thể dục thể thao (TDTT).
Nhờ vậy, số lượng các cơ sở TDTT ngoài công lập tăng nhanh, với nhiều loại hình mới phong phú, đa dạng. Nhiều địa phương đã duy trì và khuyến khích phát triển các cơ sở tư nhân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực TDTT như xây dựng cơ sở vật chất, lắp đặt thiết bị TDTT cộng đồng tại các công viên, bãi tập. Nhiều chính sách mới về thiết chế văn hóa, thể thao, định mức sử dụng đất cho hoạt động TDTT được ban hành trong thời gian qua.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm hơn tới việc xây dựng tổ chức, bố trí cán bộ, quy hoạch đất và huy động nguồn lực phát triển TDTT trên địa bàn. Mô hình “phòng tập” thể thao ngoài trời đã và đang ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện, nâng cao sức khỏe của người dân. Việc tập TDTT tại các công viên, nơi công cộng với những thiết bị thể thao ngoài trời được đánh giá là biện pháp cải thiện sức khỏe lành mạnh, giúp người dân rèn luyện những thói quen tích cực, kết nối tốt hơn trong cộng đồng.
Tính đến nay, cả nước có khoảng 14.070 cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT. Các điều kiện, quy trình, thủ tục kinh doanh dịch vụ thể thao được cắt giảm thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho việc phát triển các cơ sở, loại hình kinh doanh dịch vụ thể thao. Nhiều địa phương đã khuyến khích phát triển các cơ sở tư nhân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực TDTT như: xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn vận động viên (VĐV), tổ chức các hoạt động TDTT… Điển hình như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có hàng ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT với nhiều phòng tập, bể bơi, khu vui chơi giải trí thể thao quy mô lớn. Nhiều tập đoàn đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, các trang thiết bị chuyên dụng như: Câu lạc bộ Quần vợt Lan Anh, Câu lạc bộ Quần vợt Hưng Thịnh, Nhà thi đấu Futsal Thái Sơn Nam, Trung tâm Bóng đá Thành Long, Trung tâm Thể dục thể hình và Yoga California… Các môn thể thao có điều kiện kinh doanh dịch vụ như golf, bowling, thể dục thể hình, yoga, thể dục thẩm mỹ, thể thao điện tử, bơi, bóng đá sân nhân tạo, futsal, võ thuật, cầu lông, quần vợt… phát triển mạnh trong thời gian qua.
Nam Định là một trong các địa phương đã huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động TDTT, đáp ứng nhu cầu luyện tập, thi đấu TDTT của các tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển phong trào TDTT và thành tích thể thao chung của tỉnh. Điển hình về thực hiện hiệu quả trong công tác XHH TDTT tại tỉnh Nam Định phải kể đến các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên. Hơn 10 năm qua, các huyện đã huy động các công ty, doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình, sân bãi tập luyện. Nhờ đó, hoạt động TDTT trên địa bàn các huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung từng bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Các cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT và chính quyền các cấp đã khai thác tiềm năng trong nhân dân để phát triển đa dạng các loại hình TDTT quần chúng; kinh phí huy động từ xã hội hóa cho các hoạt động TDTT phong trào tăng nhanh theo từng năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 Liên đoàn Thể thao đang hoạt động gồm: quần vợt, cầu lông, võ thuật cổ truyền, bóng đá. Các Liên đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa – thể thao; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, hội viên tham gia tập luyện, thi đấu các môn thể thao quần chúng, tạo sự gắn kết giữa quần chúng nhân dân với các tổ chức liên đoàn.
Ở Bến Tre theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 973 công trình TDTT, góp phần tích cực phục vụ cho công tác tập luyện, phát triển TDTT quần chúng. Trong đó, thực hiện chương trình phổ cập bơi và phòng chống đuối nước cho trẻ em, hầu hết các huyện trong tỉnh. Từ khởi điểm hệ thống cơ sở vật chất TDTT thiếu thốn, lạc hậu và nhiều địa phương không có những công trình TDTT thiết yếu như: nhà tập luyện, sân vận động, bể bơi thì đến nay, toàn tỉnh có trên 120 hồ bơi, bể bơi đang hoạt động. Trong số các công trình TDTT của tỉnh, có nhiều công trình có vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đồng do tư nhân xây dựng. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, tỉnh đã huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất hơn 50,5 tỷ đồng xây dựng các công trình TDTT. Trong đó, nhiều khu thể thao được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn kinh phí XHH như: công trình hồ bơi Hoàng Lam trong khuôn viên Sân vận động tỉnh do Công ty TNHH MTV Trung tâm Thương mại, Triển lãm và Hội nghị Quốc tế – Việt Nam tài trợ đã hoàn thành đưa vào sử dụng hay Trung tâm Thể thao Khu công nghiệp Giao Long do Công ty TNHH Anh Vũ đầu tư xây dựng với 3 sân bóng đá mini, 1 sân cầu lông và 1 sân bóng chuyền. Trung tâm thể thao này ra đời và hoạt động hiệu quả đã đáp ứng tốt cho nhu cầu vui chơi, giải trí của lực lượng công nhân Khu công nghiệp Giao Long và thanh niên trong khu vực.
Mặc dù, công tác xã hội hoá TDTT bước đầu đã huy động được nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp và xã hội đầu tư phát triển TDTT, song hiệu quả thu được vẫn chưa cao. Nhiều nơi vẫn tồn tại tâm lý ỉ lại, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, dẫn tới thiếu chủ động, sáng tạo trong việc triển khai chủ trương xã hội hóa. Chính vì vậy, trong thời gian tới ngành TDTT cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội để chăm lo sự nghiệp phát triển TDTT; có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm mở rộng sự tham gia của xã hội, huy động nguồn lực xã hội để phát triển TDTT, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Bình Minh
Nguồn: thethaovietnamplus.vn