Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 38 thành lập ngày 27/3/1946, theo dòng lịch sử dù mang nhiều tên gọi khác nhau như: Nha Thể thao Trung ương, Ban Thể dục thể thao, Ủy ban Thể dục thể thao, Tổng cục Thể dục thể thao… nhưng ngành Thể dục thể thao luôn giữ được vị trí quan trọng trong xã hội, qua từng giai đoạn cách mạng khác nhau. Tới ngày 29/1/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 làm “Ngày Thể thao Việt Nam”.
Thể thao Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ
Thời gian qua, những quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực thể dục thể thao đã đưa Thể thao Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ. Phong trào tập luyện thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển theo chiều sâu, thu hút đông đảo mọi người dân, mọi đối tượng tham gia tập luyện. Theo đó, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ tiêu lớn trong Chiến lược cơ bản đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu về thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.
Về Thể dục thể thao quần chúng, số người tham gia rèn luyện thân thể thường xuyên đến năm 2020 đạt 34,4% dân số (tăng 1,4% so với chỉ tiêu tại chiến lược). Số hộ gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên năm 2020 đạt tỷ lệ 25,6% số hộ (tăng 0,6% so với chiến lược đề ra). Đã có hơn 6 triệu người tham gia Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân hằng năm nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành Thể dục thể thao (27/3/2020).
Phong trào Thể dục thể thao trong học sinh thông qua Hội khoẻ Phù Đổng và Đại hội Thể thao sinh viên thường xuyên tổ chức theo định kỳ 4 năm/lần. Số lượng môn thể thao và số lượng vận động viên tham gia được tăng dần qua các kỳ Đại hội. Nếu Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội chỉ có 36 tỉnh, thành và 2 ngành tham dự với số 737 vận động viên tham gia thì đến kỳ Hội khoẻ lần thứ hai tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, số vận động viên tham gia đã tăng lên là 1.069. Gần đây nhất, Hội khỏe Phù Đổng năm 2016 đã quy tụ được 3.899 vận động viên là học sinh ở 3 cấp: Tiểu học, THCS, THPT đến từ 63 đơn vị tỉnh, thành phố.
Thể thao Việt Nam đã liên tục ghi những dấu ấn ở những giải đấu quốc tế trong những năm gần đây
Thống kê cũng cho thấy trong 10 năm qua, số trường học bảo đảm chương trình Giáo dục thể chất nội khóa đạt 100%; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia tập luyện thể dục thể thao ngoại khóa đạt 79%. Về thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang, số cán bộ chiến sĩ kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt trên 90%.
Ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao – nhấn mạnh, thể thao thành tích cao đã từng bước khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ thể thao thế giới, khi các vận động viên liên tiếp ghi tên mình trên bảng thành tích ở các đấu trường Oympic, ASIAD, SEA Games cũng như các giải đấu quốc tế quan trọng khác.
Từ năm 1989, kỳ SEA Games lần thứ 15 tại Malaysia, từ những bước đi đầu tiên để kiếm tìm thành tích, đến nay, Thể thao Việt Nam đã xác định được vị thế cho mình trên đấu trường quốc tế. Đó là vị trí vững chắc trong tốp 3 đoàn mạnh nhất khu vực Đông Nam Á mà SEA Games 30 là minh chứng (giành 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ, xếp thứ 2 toàn đoàn). Còn tại châu lục, nếu lấy kỳ Đại hội Thể thao châu Á năm 2018 ở Indonesia là thước đo, thì tương ứng là vị trí trong nhóm 20 đoàn hàng đầu (4 HCV, 15 HCB, 18 HCĐ, xếp hạng 16/45 quốc gia).
Olympic Rio 2016 đánh dấu kỳ tích cho Thể thao Việt Nam khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh bất ngờ giành tấm HCV đầu tiên cho Đoàn Việt Nam tại một kỳ Thế vận hội ở nội dung 10m súng ngắn hơi và HCB ở nội dung 50m súng ngắn. Thành công của Hoàng Xuân Vinh đã giúp thể thao nước nhà tìm được vị thế mới trên bản đồ thể thao thế giới khi lần đầu tiên Việt Nam vươn lên tốp 50 thế giới (xếp hạng toàn đoàn 48/206 quốc gia tham gia tranh tài).
Trước đó, tại Olympic Sydney 2000, võ sĩ Trần Hiếu Ngân giành 1 HCB, giúp Việt Nam xếp hạng 64 chung cuộc. Tới Olympic Bắc Kinh 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn cũng có ngôi á quân và đoàn Việt Nam xếp thứ 70. Không những thế, ngành Thể dục thể thao còn được bạn bè quốc tế biết đến với những lần tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn như SEA Games 22, Asian Indoor Games 3. Đây cũng là những bước đệm để Thể thao Việt Nam tiến xa hơn trên con đường hội nhập quốc tế, cũng như hướng tới tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 vào tháng 5/2022.
Trong năm 2021, dù nhiều giải đấu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Thể thao Việt Nam vẫn gặt hái những thành công lớn ở đấu trường châu lục và thế giới. Theo đó, đêm 17/6, nữ võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền (49kg) đánh bại đối thủ đến từ Uzbekistan để giành HCV tại giải Taekwondo vô địch châu Á 2021 diễn ra ở Lebanon. Đây là thành tích xuất sắc của Kim Tuyền và Taekwondo Việt Nam.
Đến ngày 23/10, võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đem về đai WBO thế giới đầu tiên cho boxing Việt Nam, khi thắng đối thủ Nhật Bản – Etsuko Tada. Đây là đai quyền Anh chuyên nghiệp thế giới đầu tiên của một võ sĩ Việt Nam giành được.
Tại giải Jiu-Jitsu vô địch thế giới 2021 do Liên đoàn Jiu-Jitsu quốc tế (JJIF) tổ chức tại Abu Dhabi – UAE, đội tuyển Việt Nam giành được 2 HCV, 3 HCB và 2 HCĐ ở các nội dung Fighting, Duo/Show Mixed và Newaza. Đội tuyển Bắn súng Việt Nam giành 1 HCB tại Cúp Bắn súng thế giới. Tại Paralympic Tokyo, đô cử Lê Văn Công đã thi đấu xuất sắc khi giành được 1HCB.
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao, Trần Đức Phấn khẳng định những quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực TDTT thời gian qua đã đưa Thể thao Việt Nam có những bước phát triển sâu rộng.
Trong thời gian vừa qua, bóng đá Việt Nam cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc ở cả đấu trường khu vực và châu lục. Kể từ khi đồng hành với bóng đá Việt Nam đến nay, huấn luyện viên Park Hang-seo đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ với những cột mốc lịch sử. Đó là ngôi á quân Vòng chung kết U23 châu Á 2018, bán kết ASIAD 2018, HCV bóng đá nam SEA Games 2019 sau nhiều thập niên chờ đợi. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Hàn Quốc, “các chiến binh Sao Vàng” đã xuất sắc đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019 và lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào Vòng loại cuối World Cup 2022.
Cùng với đó, đội tuyển Futsal Việt Nam cũng đã có 2 lần liên tiếp giành vé tham dự World Cup. Thành tích của Futsal Việt Nam ở cả 2 lần tham dự giải đấu này là vào tới vòng 1/8. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng ghi dấu ấn lớn ở những giải đấu khu vực cũng như châu lục.
Những thành tích mà bóng đá và các môn thể thao Olympic của Việt Nam đã tạo được những hiệu ứng xã hội tích cực, thông qua đó góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, tạo niềm tin về một Việt Nam trên đà phát triển.
Thể thao Việt Nam hướng tới mục tiêu thành ngành công nghiệp không khói
Để thể thao nước nhà tiếp tục phát triển bền vững, ngày 12/11/2021, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã chủ trì Tọa đàm “Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Chiến lược được xây dựng trên quan điểm phát triển thể dục thể thao bền vững, tạo điều kiện cho mọi người dân được bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ thể dục thể thao, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển thể dục thể thao ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, phát triển các môn thể thao đại chúng, môn thể thao dân tộc. Cùng với đó, phát triển thể dục thể thao theo định hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, phương thức quản lý hoạt động thể dục thể thao nhằm khơi dậy tiềm năng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển sự nghiệp thể dục thể thao…
Mục tiêu mà Chiến lược hướng đến là xây dựng nền thể dục thể thao tiên tiến, hiện đại, khoa học và nâng cao sức khỏe, tuổi thọ cho người dân nhằm góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc cho thế hệ trẻ Việt Nam. Bên cạnh đó, đưa thể thao thành tích cao lên tầm cao mới đạt được những vị trí quan trọng tại sân chơi châu lục, thế giới.
Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn đánh giá: “Trong giai đoạn vừa qua, việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về thể dục thể thao thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các cơ chế, chính sách mới về thể dục thể thao thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các cơ chế, chính sách mới về thể dục thể thao đã được chú trọng trọng triển khai. Thông qua đó, các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về thể dục thể thao từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngành, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về thể dục thể thao và hạn chế những tiêu cực trong lĩnh vực này”.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đầu ngành của Thể thao nước nhà đã tập trung trả lời những câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là: Làm sao để Thể thao Việt Nam quay trở lại thời đỉnh cao? Làm sao để nước nhà hoàn thành sứ mệnh vì dân cường, quốc thịnh và tiến tới trở thành ngành công nghiệp không khói trong tương lai?
Góp ý cho “Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao – đánh giá: “Việc thực hiện Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020 đã giúp cho Thể thao Việt Nam có những chuyển biến tích cực như những môn thể thao Olympic có tiến bộ, thể thao quần chúng phát triển tốt. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, muốn phát triển, chúng ta phải đi theo các xu thế, như thương mại hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa các hoạt động thể thao. Đặc biệt phải chú trọng tới thể thao trường học để tìm kiếm tài năng cho thể thao nước nhà”. Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, muốn xây dựng Chiến lược mới, chúng ta cần phải có nhân lực, gồm bộ máy và con người, để đáp ứng các nhiệm vụ. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ rất quan trọng và đây là một trong những nguyên nhân, hạn chế cần phải thay đổi.
Các chuyên gia trong lĩnh vực Thể thao đặt mục tiêu biến Thể thao Việt Nam thành một ngành công nghiệp không khói trong tương lai
Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS Lê Văn Lẫm nhấn mạnh: “Muốn phát triển thể thao quần chúng làm nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao thì chúng ta phải chú trọng phát triển thể thao học đường. Phát triển thể thao học đường chính là chăm lo cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước trong tương lai”. GS. Lẫm cho rằng, ngoài các tiết học thể dục chính khóa, cần tăng cường các tiết học ngoại khóa cho học sinh, trong tương lai phải sắp xếp làm sao để các em học sinh có thể có được ít nhất là 4 buổi tập ngoại khóa/tuần. Việc tăng số lượng và nâng cao chất lượng các giờ dạy thể dục sẽ giúp các em phát triển thể lực và tầm vóc, từ đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực cho đất nước.
Nói về vấn đề nâng cao nhận thức về thể dục thể thao, ông Vũ Trọng Lợi – Chủ tịch Liên đoàn Yoga Việt Nam – cho rằng: “Đại dịch COVID-19 đã giúp chúng ta thấy rõ hơn sự quan trọng của việc rèn luyện thể dục thể thao. Vì vậy phải nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho toàn dân, nâng cao nhận thức về thể dục thể thao. Bên cạnh đó, tiêu chí rèn luyện thân thể phải thay đổi, đặc biệt là trong việc phát triển thể thao trường học rồi đến sự phát triển của thể thao thành tích cao, phải theo hướng chuyên nghiệp, nhà nghề”.
Đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế thể thao, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) – cho biết, phải xem thể thao là một ngành kinh tế để có những chủ trương, chính sách phù hợp. Muốn làm được như vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy, nhận thức về ngành Thể dục thể thao, đánh giá lại nguồn lực cho việc thực hiện Chiến lược mới…
Sau khi nghe ý kiến đóng góp từ các đại biểu, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chia sẻ: “Trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Thể dục thể thao hết sức khó khăn, phức tạp. Trên cơ sở tổng kết Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất xây dựng Chiến lược trong giai đoạn tiếp theo có sự kế thừa những thành tựu của giai đoạn vừa qua, phát huy những mặt tích cực, đưa ra định hướng, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp phát triển phù hợp trong giai đoạn tới”.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định: “Việc xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa, triển khai hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan tới phát triển thể dục thể thao được Đảng và Nhà nước chỉ đạo thông qua các Nghị quyết, chương trình hành động. Để đáp ứng yêu cầu phát triển thể dục thể thao trong tình hình mới, việc xây dựng Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ cấp thiết”.
Cùng với đó, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, thành viên tổ soạn thảo cần tham khảo kỹ Chiến lược phát triển thể dục thể thao năm 2010 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nên chắt lọc những kết quả nổi bật, giải pháp hiệu quả từ giai đoạn trước để tiếp tục phát triển, phát huy trong chiến lược tiếp theo phát triển đột phá, song vẫn có tính kế thừa.
TTVN (Còn nữa)
Nguồn: thethaovietnamplus.vn