UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án “Phát triển bóng đá cộng đồng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, đối tượng thực hiện là trẻ em từ 6 đến 11 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh. Đề án được triển khai thực hiện tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, từ năm 2021 đến năm 2025.
Mục tiêu của dự án là phấn đấu từ nay đến năm năm 2025 duy trì tập luyện tại các câu lạc bộ tại các huyện đã mở thu thu hút từ 5.000-5.500 em tham gia tập luyện tại các câu lạc bộ bóng đá cộng đồng trên địa bàn dưới hình thức xã hội hóa; Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho 50-60 cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, trọng tài bóng đá cơ sở; Ổn định hệ thống thi đấu từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức từ 1-3 giải bóng đá cấp tỉnh, tổ chức 1 festival bóng đá; Hoàn thiện kế hoạch huấn luyện, giáo án khoa học phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng; Triển khai đầu tư xây dựng từ 7-10 sân cỏ nhân tạo tại các đơn vị, hỗ trợ dụng cụ tập luyện cho các câu lạc bộ bóng đá cộng đồng; Tuyển chọn những học sinh có chuyên môn tốt từ các câu lạc bộ bóng đá cộng đồng vào các lớp vệ tinh năng khiếu U8 và U10 tập luyện; Thành lập đội tuyển U9, U11 tập luyện và tham gia giải toàn quốc do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức; Bổ sung cho đội tuyển U13 từ 25-30 em có chuyên môn tốt; Tổng kết rút kinh nghiệm tổng kết giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026-2030.
Ảnh minh họa
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ của đề án phát triển bóng đá cộng đồng, nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, đồng thời kết hợp kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh đầu tư vào phát triển bóng đá cộng đồng, UBND tỉnh đề nghị xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở tập luyện, đào tạo bóng đá cộng đồng có chương trình, giáo án khoa học, phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng từ cấp tỉnh đến cơ sở, khắp các địa phương trong tỉnh. Các cháu thiếu niên, nhi đồng sẽ được đào tạo bóng đá bài bản ngay từ nhỏ, qua đó hình thành kỹ năng, thể lực chuyên môn, chiến thuật, tâm lý và kinh nghiệm trong tập luyện cho các em nhằm từng bước tạo nên lực lượng cầu thủ trẻ có chất lượng cao, ổn định đáp ứng chuẩn đầu vào của các tuyến đào tạo cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, giúp cho lực lượng tham gia vào bóng đá chuyên nghiệp sẽ ngày càng ổn định hơn, chất lượng cao hơn; Xây dựng và phát triển hệ thống giải thi đấu bóng đá cộng đồng từ cấp tỉnh đến cơ sở với mật độ thi đấu phù hợp, qua đó thu hút nhiều trẻ em tham gia tập luyện, thi đấu và tạo không khí sôi nổi, thi đua, phấn đấu giành thành tích cao trong thi đấu, rèn luyện bản lĩnh, tâm lý thi đấu cho các em; đồng thời tuyển chọn lực lượng để tham gia thi đấu các giải quốc gia theo nhóm tuổi; Xây dựng kế hoạch định hướng đầu tư để xã hội quan tâm tham gia đầu tư, hỗ trợ kinh phí cải tạo, xây dựng mới các sân cỏ, sân cỏ nhân tạo tại các đơn vị, địa phương, trường học, doanh nghiệp phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt, tập luyện và thi đấu bóng đá cộng đồng; Tạo môi trường cho bóng đá cộng đồng ngày càng phát triển, tiến tới từng bước giảm dần sự phụ thuộc, giảm dần mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Khi bóng đá cộng đồng phát triển, được xã hội quan tâm thì các nguồn lực của xã hội sẽ tập trung vào bóng đá cộng đồng nhiều hơn. Trong đó, các tổ chức, tập thể, cá nhân quan tâm đầu tư, hỗ trợ một phần vì lợi ích kinh tế, một phần vì xem đó là một sự đóng góp có ích cho cộng đồng và xã hội. Khi đó, việc duy trì và phát triển bóng đá cộng đồng sẽ do thị trường chi phối, ngân sách do Nhà nước đầu tư sẽ giảm dần; Xây dựng chương trình, kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nhằm tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về huấn luyện viên, trọng tài, hướng dẫn viên, cộng tác viên về chuyên môn, nghiệp vụ để tạo nên hệ thống nhân lực có chất lượng hỗ trợ cho việc phát triển bóng đá cộng đồng tại cơ sở; Xây dựng mô hình quản lý, điều hành bóng đá cộng đồng phù hợp với điều kiện của tỉnh ta và xu thế phát triển trong nước và quốc tế nhằm từng bước xây dựng hệ sinh thái bóng đá cộng đồng để kết nối các đội bóng với các cựu cầu thủ, người hâm mộ, các nhà tài trợ, bảo trợ cho đội bóng cộng đồng với quan điểm “bóng đá thúc đẩy phát triển cho cộng đồng”; đồng thời tăng cường liên kết, phối hợp với các trung tâm đào tạo bóng đá cộng đồng trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển bóng đá cộng đồng.
Liên đoàn Bóng đá tỉnh Thanh Hóa là đơn vị trực tiếp xây dựng và triển khai thực hiện sau khi Đề án được phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị, triển khai thực hiện Đề án theo kế hoạch hoạt động hàng năm; Trực tiếp quản lý Đề án, triển khai thực hiện công tác chuyên môn, biên soạn chương trình giảng dạy, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn cho giáo viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên; Phân công, điều phối cán bộ thực hiện nội dung kế hoạch; tổ chức các giải thi đấu, tổ chức chương trình Festival Bóng đá, vận động tài trợ… theo quy định; Thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra đôn đốc hoạt động của các câu lạc bộ bóng đá cộng đồng và báo cáo kết quả triển khai hoạt động cho các đơn vị quản lý; Tổ chức, phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các chương trình, kế hoạch trong Đề án; Lựa chọn đơn vị đủ năng lực để tuyển chọn vận động viên, thành lập các đội tuyển trẻ U9 và U11 từ các câu lạc bộ bóng đá cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh, thành lập đội tuyển tham gia giải U9 và U11 toàn quốc theo quy định. Hàng năm Liên đoàn Bóng đá lập dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện; quản lý việc thanh quyết toán kinh phí hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, đảm bảo việc thực hiện Đề án hiệu quả, đúng quy định.
BT
Nguồn: thethaovietnamplus.vn