Bảo đảm các điều kiện an toàn khi mở cửa lại trường học, không để xảy ra tình huống số học sinh mắc COVID-19 tăng đột biến, gây quá tải là nội dung đáng chú ý nhất, được dư luận quan tâm trong tuần qua…
Đo thân nhiệt cho học sinh Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Thái Nguyên trước khi vào lớp. Ảnh minh họa: TTXVN
Quyết liệt phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng Thủ tướng Chính phủ giao, đó là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, quán triệt và quyết liệt, nhất quán thực hiện đa mục tiêu trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện thần tốc Chiến dịch tiêm vaccine mùa Xuân năm 2022, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và đạt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn chỉnh, trình Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch 2022-2023; bảo đảm nguồn và phân phối kịp thời vaccine, thuốc điều trị COVID-19; tập trung triển khai việc mua, tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục sơ kết, đánh giá để bổ sung, hoàn thiện các nguyên lý, công thức phòng, chống dịch đã có, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến tình hình mới; rà soát, thực hiện tốt chính sách, chế độ đãi ngộ, động viên đội ngũ y, bác sỹ, các lực lượng tuyến đầu, người tình nguyện tham gia phòng, chống dịch, không để ai bị thiệt thòi, bất bình đẳng trong quá trình tham gia phòng, chống dịch…
Bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường
Học sinh Trường tiểu học Thịnh Liệt (huyện Thanh Trì) được xịt sát khuẩn tay trong ngày đầu tiên trở lại trường học trực tiếp. Ảnh minh họa: TTXVN
Chiều 8/2, tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống có học sinh mắc COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe trẻ em. Phó Thủ tướng cho rằng,Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm phủ vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm vaccine cho học sinh để các em trở lại trường. Các địa phư ơng cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo an toàn trường học, nhất là tập huấn kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong trường học, nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa không làm ảnh hưởng hoạt động sinh hoạt cộng đồng và hoạt động học tập trong nhà trường.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra khi học sinh đến trường học tập trung trở lại; không để bị động, lúng túng, bất ngờ; khẩn trương hoàn thiện, ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn và phác đồ điều trị COVID-19 đối với người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi; chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho các bệnh viện trên toàn quốc về công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi mắc COVID-19, chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phù hợp để hạn chế tối đa khả năng xảy ra việc khoa nhi trong bệnh viện bị lây nhiễm SARS-CoV-2, hoặc quá tải.
Bộ Y tế chủ động, hướng dẫn các địa phương lên kế hoạch huy động các tình nguyện viên tham gia thực hiện công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết; chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để gia đình, phụ huynh và giáo viên chủ động phối hợp, đề cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức cho các em học sinh yên tâm đến trường học tập trung trở lại mạnh khỏe, an toàn, hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – cho biết, dự báo số ca mắc COVID-19 sau Tết tăng cao do hoạt động đi lại và giao lưu dịp Tết, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng người già, người lớn và trẻ chưa tiêm vaccine, trẻ sơ sinh; do đó cần các biện pháp bảo vệ tốt để giảm tỷ lệ tử vong. Bộ Y tế đang nhanh chóng cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh mắc COVID-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ Trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình huống số học sinh mắc COVID-19 tăng đột biến, gây quá tải. Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát hướng dẫn bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường, phản ứng của y tế học đường, y tế cơ sở khi có ca mắc COVID-19.
Tại giao ban báo chí đầu Xuân Nhâm Dần, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đã thông tin chuyên đề về việc mở cửa trường học. Theo đó, nhằm đánh giá tình hình tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, ngày 9/2/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 6 đoàn kiểm tra do Bộ trưởng, các Thứ trưởng làm trưởng đoàn khảo sát thực tế tình hình mở cửa trường học tại các địa phương, cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến đại học. Đoàn kiểm tra sẽ cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các sở, ngành liên quan và đại diện các cơ sở giáo dục; trực tiếp kiểm tra tại cơ sở giáo dục, qua đó nắm bắt tình hình thực tế, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Mục tiêu là nhanh chóng mở cửa trường học an toàn ở tất cả các địa phương, bậc học.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ khi mắc COVID-19
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine, khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế. Khi trẻ mắc COVID-19, các bố mẹ cần theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần. Những trẻ có thể điều trị ở nhà khi vẫn hoạt động, vui chơi và ăn uống gần như những ngày không mắc bệnh.
Theo Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) – vào thời gian này, do thời tiết lạnh, ẩm, chênh lệch nhiệt độ các thời điểm trong ngày lớn, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc nên dù không có dịch COVID-19 xảy ra, trẻ em vẫn thường dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa khi tham gia học tập . Do vậy, các cháu đều có khả năng nhiễm các bệnh lý hô hấp, trong đó có COVID-19. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy cô giáo rất quan trọng khi hướng dẫn các cháu những biện pháp phòng chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài các cháu sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh nên các kỹ năng phòng vệ cần phải được rèn luyện, nhắc nhở thường xuyên.
Cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế; tăng cường sức đề kháng cho trẻ như bổ sung dinh dưỡng, tập luyện, tránh thừa cân béo phì; Kiểm soát tốt các bệnh mạn tính. Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh; Đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập. Bên cạnh đó cần chú ý vệ sinh bàn tay cho trẻ; Sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác. Đồng thời hướng dẫn, tập luyện thường xuyên các biện pháp phòng chống cho trẻ; hướng dẫn trẻ để rác thải đúng nơi quy định.
Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ… cần kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, khi trẻ không may bị mắc COVID-19, các bố mẹ cần theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần. Những trẻ có thể điều trị ở nhà là trẻ vẫn có những hoạt động, vui chơi tương đối như những ngày khỏe mạnh. Trẻ vẫn đảm bảo được mức độ ăn uống tương đối như ngày khỏe mạnh.
Gia đình có thể quan sát nhịp thở của trẻ. Với trẻ dưới 2 tháng nhịp thở bình thường 12 tháng nhịp thở bình thường 5 tuổi thở nhanh khi > 30 lần/phút; Trẻ > 12 tuổi theo các chỉ số tương tự người lớn.
Khi điều trị ở nhà, cha mẹ cần dự phòng những thuốc: Hạ sốt; Bù nước điện giải; Có thể bổ sung Vitamin tổng hợp; Thuốc điều trị ngạt tắc mũi; Thuốc ho. Cần dùng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế.Gia đình không nên cho trẻ tự uống thuốc ngoài những thuốc được khuyến cáo ở trên.
Khi cần tư vấn, các cha mẹ có thể liên hệ các số điện thoại của các bệnh viện có khoa Nhi hoặc các cơ sở xử trí của từng phường/huyện để được tư vấn phù hợp. Tại Bệnh viện Bạch Mai, có thể liên lạc số điện thoại 086.958.7716 của Trung tâm Nhi khoa để có thể được giải đáp một số vấn đề về chuyên môn.
Về việc cần thiết phải tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) – cho biết, trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine thì khi mắc bệnh sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.
Khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.
Hiện nay qua theo dõi với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng. Vì vậy, việc tiêm chủng cho trẻ có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác.
TTXVN
Nguồn: thethaovietnamplus.vn