Sau 16 ngày làm việc gồm 2 đợt họp trực tuyến kết hợp với tập trung, Kỳ họp thứ hai – Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng chủ động, trách nhiệm, đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 467/479 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,59%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ hai – Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu nhấn nút biểu quyết thông qua các Nghị quyết.
Hoạt động của Quốc hội ngày càng chủ động, trách nhiệm, đổi mới
Nghị quyết Kỳ họp thứ hai – Quốc hội khóa XV nêu rõ: sau 16 ngày làm việc gồm 2 đợt họp trực tuyến kết hợp với tập trung, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng chủ động, trách nhiệm, đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Theo Nghị quyết, Kỳ họp thứ hai – Quốc hội khóa XV đã thông qua 2 Luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự); thông qua 12 Nghị quyết (Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; 4 Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ hai và Nghị quyết Kỳ họp thứ hai – Quốc hội khóa XV).
Kỳ họp thứ hai – Quốc hội khóa XV cũng đã cho ý kiến 5 Dự án Luật (Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ)
Nghị quyết cho biết, sau khi xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ hai – Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019 – 2020; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác ngành kiểm sát; công tác của các tòa án năm 2021 và một số báo cáo khác, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, nỗ lực vượt qua thách thức, chủ động, linh hoạt, vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19, vừa từng bước phục hồi, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, phấn đấu đạt ở mức cao nhất các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021.
Nghị quyết khẳng định, công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện hơn; công tác tổ chức thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh vẫn là khâu yếu, có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, còn chậm ban hành một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác xét xử, thi hành án tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực; chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp; một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng; vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi; việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội gây mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, tín dụng đen… Do vậy, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát huy kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục triển khai có hiệu quả nhằm đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật, đạt tỷ lệ giải quyết đã được Nghị quyết của Quốc hội giao…
Chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19
Nghị quyết nêu rõ, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, định hướng sát tình hình; các cơ quan chức năng, địa phương chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch cơ bản được thực hiện thống nhất, xuyên suốt, kịp thời. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 làm căn cứ cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số nghị quyết quy định khác với quy định của luật để kịp thời triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội và khôi phục, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài; đặc biệt là đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã cống hiến hết mình, xung kích vào tâm dịch rất nguy hiểm vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cuộc sống bình yên của Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2021 đến nay, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng có dấu hiệu tăng nhanh, trong đó nhiều ổ dịch mới được phát hiện tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, trường học và khu dân cư, cho thấy tình hình dịch COVID-19 trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại. Vì vậy, cần đánh giá sâu sắc công tác phòng, chống dịch thời gian qua để rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành; công tác triển khai, phối hợp thực hiện ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc; tổ chức thực hiện thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất, không theo kịp diễn biến của tình hình thực tế.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm việc thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời hạn; tiếp tục rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh để xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết, các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, phù hợp với thực tiễn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế; nâng cao năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch COVID-19 và các bệnh dịch mới nổi; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng…
Nghị quyết cho phép tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và thực hiện dự toán, quyết toán theo quy định; đồng thời giao Chính phủ tổ chức thực hiện nội dung này đồng bộ với các cam kết khác theo đúng Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ; Chính phủ báo cáo Quốc hội số tiền xử lý bù giá nêu trên khi lập và thực hiện dự toán, quyết toán hằng năm; số liệu xử lý bù giá phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán.
Thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Kết quả biểu quyết cho thấy, có 480/480 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Như vậy, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ hai – Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh phiên họp.
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao, với tinh thần luôn luôn đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp.
Các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn đối với những vấn đề trọng tâm trong các lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, kế hoạch và đầu tư, là các vấn đề được cử tri và Nhân dân cả nước đang rất quan tâm. Các Bộ trưởng được phân công trả lời đúng trọng tâm, rõ ràng, đầy đủ các vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Một số Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, trưởng ngành đã tham gia giải trình, làm rõ thêm nội dung đại biểu quan tâm.
Việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, được dư luận và Nhân dân đánh giá cao. Qua chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ thêm, trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch COVID-19 tác động nặng nề, ảnh hưởng xấu tới mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân và doanh nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị và các ngành, các cấp đã tập trung cao độ, đồng lòng, đồng sức để vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm đời sống của người dân và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hạn chế, tồn tại, khó khăn trước mắt còn nhiều, cần phải phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, có giải pháp cả trước mắt và lâu dài để thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát hiệu quả, linh hoạt phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được và các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được và các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ trưởng, Thủ trưởng. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Cụ thể:
Đối với lĩnh vực y tế, cần tổng kết việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Trước ngày 01/01/2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch với các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, không để lúng túng, bị động, bất ngờ. Sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công – tư trong công tác phòng, chống dịch.
Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng. Rà soát, nghiên cứu để có đề xuất hỗ trợ kịp thời đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định đã ban hành, quan tâm nhóm đối tượng yếu thế. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách. Khẩn trương đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước. Trong năm 2021, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội phù hợp với tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; trong đó, đặc biệt quan tâm việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi toàn quốc, việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề, vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, chính sách đối với lao động nữ, lao động khu vực phi chính thức và các đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch COVID-19, cả thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch triển khai của ngành giáo dục và đào tạo thích ứng với dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bố trí đủ kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt liên quan đến chế độ, chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Có giải pháp cụ thể, sớm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Khẩn trương nghiên cứu, tham mưu ban hành các chính sách đặc thù để bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non; sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi.
Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trên cơ sở đánh giá sâu sắc, toàn diện những tác động của dịch COVID-19 đến tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, tình hình kinh tế của khu vực, thế giới và những kinh nghiệm thực hiện chính sách hỗ trợ giai đoạn 2008 – 2009, trong năm 2021, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội phải có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng cả về tổng cung và tổng cầu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ vốn, theo lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2022-2023. Đồng thời, xây dựng những chương trình quản lý rủi ro, đảm bảo cho việc huy động, phân bổ các nguồn lực được công khai, minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm, tiêu cực và tham nhũng trong quá trình phân bổ và sử dụng chính sách hỗ trợ này.
PT
Nguồn: thethaovietnamplus.vn