![]() |
Ngô Thị Trâm Anh (bên phải) đăng quang Hoa hậu Trái đất Việt Nam 2025 và Nguyễn Hoài Phương Anh (bên trái) giành ngôi vị Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2025. Ảnh: BTC |
Khi danh hiệu sắc đẹp bị “bội thực”
Tính riêng tháng 6/2025, khán giả Việt đã chứng kiến khoảng 6 cuộc thi sắc đẹp với hàng loạt danh hiệu được trao.
Cụ thể, tối 14/6, chung kết cuộc thi “Hoa hậu và Nam vương siêu mẫu thể hình thế giới” diễn ra tại Bình Định (cũ). Ngày 21/6, Nguyễn Hoàng Phương Linh đăng quang “Miss Cosmo Vietnam 2025” (Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam) tại Khánh Hòa. Tối 27/6, ngôi vị Hoa hậu Việt Nam 2024 được trao cho Hà Trúc Linh tại Huế.
Chỉ một ngày sau, tại hai địa điểm khác nhau, hai hoa hậu khác lại được xướng tên: Ngô Thị Trâm Anh đăng quang Hoa hậu trái đất Việt Nam 2025 (Hải Phòng) và Nguyễn Hoài Phương Anh giành ngôi vị Hoa hậu biển Việt Nam toàn cầu 2025 (Quảng Ninh).
Đến tối 30/6, danh hiệu Hoa hậu quý bà hòa bình Việt Nam 2025 (Mrs Grand Vietnam 2025) tiếp tục được trao cho người đẹp Nguyễn Thị Thưa tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đó là chưa kể hàng chục cuộc thi nhan sắc cấp vùng, ngành, cộng đồng đang âm thầm tổ chức khắp nơi trong cả nước. Việc danh xưng hoa hậu xuất hiện ngày càng dày đặc khiến công chúng không khỏi hoang mang và đặt câu hỏi: giá trị thực sự của các cuộc thi sắc đẹp là gì?
Mới đây, trên fanpage của một cuộc thi sắc đẹp “Hoa hậu bông sen Việt” (Miss Vietnam Lotus) lần đầu tiên tổ chức, quy mô toàn quốc, thời gian tuyển sinh từ ngày 26/6 đến ngày 1/8. Đáng chú ý, toàn bộ các vòng thi từ sơ khảo, bán kết đến chung kết đều được lên lịch diễn ra chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày (từ ngày 7/8 đến ngày 9/8). Điều này đặt ra nhiều nghi vấn về tính khả thi trong khâu tổ chức, chất lượng thí sinh, cũng như sự nghiêm túc của cuộc thi khi thời gian chuẩn bị và triển khai gấp rút.
Trước tình trạng “lạm phát hoa hậu” tại Việt Nam những năm gần đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa thẳng thắn chia sẻ quan điểm và đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động tổ chức các cuộc thi sắc đẹp. Trong đó, cần phải có sự rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện hành lang pháp lý để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch trong lĩnh vực tổ chức cuộc thi sắc đẹp.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Xuân Bắc nhận định, Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tất cả các cuộc thi người đẹp, người mẫu đều phải có đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP về tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu đang bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp sắc đẹp.
“Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 144, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu. Chúng tôi đang tích cực xin ý kiến các cấp, ngành, đơn vị liên quan, chuyên gia có chuyên môn để sửa đổi phù hợp với bối cảnh mới, vì thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề không còn phù hợp với quy định cũ nữa” – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Xuân Bắc cho biết.
![]() |
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Xuân Bắc trao đổi về câu chuyện “lạm phát hoa hậu”. Ảnh: Lê Anh Dũng |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội thể hiện đồng tình với ý kiến của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Xuân Bắc. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc sửa đổi Nghị định 144/2020/NĐ-CP là cần thiết để đưa vào đó những tư duy, cách tiếp cận mới trong quản lý, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Đặc biệt lĩnh vực tổ chức các cuộc thi người đẹp, hoa hậu đang nhạy cảm, phức tạp và có nhiều biến tướng.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích, một trong những nguyên nhân dẫn đến trạng “loạn danh xưng” hiện nay do tâm lý “háo danh” và chạy theo truyền thông của nhiều đơn vị tổ chức. Dù quy mô nhỏ, nhưng họ vẫn đặt tên các cuộc thi là “Hoa hậu quốc gia”, “Hoa hậu toàn cầu”, “Người đẹp thế giới”… nhằm thu hút tài trợ và sự chú ý từ dư luận.
Việc này không chỉ gây nhiễu loạn thông tin mà còn làm xói mòn uy tín của những cuộc thi sắc đẹp chân chính, vốn cần được đầu tư bài bản và nghiêm túc.
Theo quy định của Nghị định 144/2020/NĐ-CP, việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp sẽ do UBND tỉnh, TP chấp thuận mà không cần phải xin phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Việc “nới” quy định so với trước đây tái diễn tình trạng loạn cuộc thi hoa hậu. Thực tế, các đơn vị tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu chỉ cần có đề án trình cơ quan chức năng phê duyệt, trong đó nêu rõ mục đích, tôn chỉ, quy mô, hình thức tổ chức. Tuy nhiên, cơ chế hậu kiểm còn lỏng lẻo, phân quyền chưa rõ ràng, khiến nhiều cuộc thi “lách luật” hoặc tổ chức không đúng với nội dung đã xin phép. Hệ quả là không ít cuộc thi được tổ chức một cách cẩu thả, thiếu tính chuyên nghiệp và thậm chí có dấu hiệu lợi dụng danh xưng để phục vụ mục đích thương mại.
Không thể để vương miện mất giá
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Xuân Bắc cũng chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại: nhiều cá nhân tự xưng là “đại diện nhan sắc Việt Nam” ra quốc tế mà không được cơ quan có thẩm quyền công nhận hay cử đi. “Nếu không có tiêu chuẩn chung, đúng ra chỉ nên gọi là “đại diện của công ty A đến từ Việt Nam”. Còn nếu xưng danh là đại diện quốc gia, người đó phải có trí tuệ, bản lĩnh và bản sắc văn hóa của phụ nữ Việt hiện đại chứ không thể tùy tiện” – NSND Xuân Bắc nhấn mạnh.
NSND Xuân Bắc cho rằng, một văn bản pháp lý chỉ có giá trị khi nó có sức sống, thực tiễn và tạo động lực phát triển. Qua ghi nhận các ý kiến từ chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Xuân Bắc sẽ tiếp tục tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu với các chuyên gia, báo chí và đơn vị tổ chức để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 144/2020/NĐ-CP.
Do đó, việc sửa đổi hành lang pháp lý là cần thiết, cấp bách và không thể chậm trễ. Mục tiêu không chỉ là siết chặt quản lý mà còn để tạo môi trường phát triển bền vững cho các cuộc thi uy tín, giúp thị trường sàng lọc tự nhiên các sự kiện thiếu chuyên nghiệp, kém chất lượng.
“Chúng tôi hy vọng tương lai gần, dư luận sẽ không còn phải nhắc đến những cụm từ như “loạn hoa hậu”, “bội thực sắc đẹp” mà thay vào đó là sự tin tưởng vào một hệ thống thi sắc đẹp chất lượng, bài bản và tôn vinh đúng giá trị người phụ nữ Việt” – NSND Xuân Bắc bày tỏ.
Có thể thấy, hiện tượng “bội thực sắc đẹp” hay còn gọi là “lạm phát hoa hậu” không còn là cảnh báo mà đã trở thành dấu hiệu đáng báo động của một thị trường giải trí vận hành thiếu kiểm soát.
Không thể phủ nhận vai trò tích cực của các cuộc thi nhan sắc trong việc tôn vinh phụ nữ hiện đại, nhưng khi danh hiệu sắc đẹp được trao một cách ồ ạt, không đi kèm với tiêu chuẩn chuyên môn và quy trình kiểm soát chặt chẽ, vương miện mất giá trị và công chúng mất niềm tin.
Trong bối cảnh đó, việc siết chặt và sửa đổi hành lang pháp lý về tổ chức cuộc thi sắc đẹp, thị trường nhan sắc Việt Nam mới có thể phát triển đúng hướng, nơi danh hiệu là kết tinh của tài năng, đạo đức và bản sắc chứ không phải sản phẩm của những cuộc đua ồn ào, ngắn hạn.
TH. Quang Phiêu