Hotline: 0931 643 075      Email: ttvietnammedia@gmail.com

spot_img

Kỳ 2 > Thể thao ngày càng được quan tâm, giữ sự ổn định của bộ máy quản lý Tổng cục Thể dục thể thao là cần thiết

XEM NHIỀU NHẤT

spot_img

CÙNG CHUYÊN MỤC

Trước vai trò ngày càng quan trọng của thể thao trong phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, ngoại giao,… giới chuyên môn cùng chung nhận định việc giữ ổn định của bộ máy quản lý Tổng cục Thể dục thể thao mang ý nghĩa rất quan trọng.

Kỳ 1 > Thể dục thể thao ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội

Thủ tướng Chính phủ quan tâm tới việc phát triển thể dục thể thao

Tại cuộc làm việc về công tác thể dục thể thao và gặp mặt một số vận động viên tiêu biểu, đại diện đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 tổ chức hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Toàn dân khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh, cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thể dục thể thao, tạo điều kiện để người dân rèn luyện sức khỏe. Các vận động viên phát huy ý chí và nghị lực vươn lên trong tập luyện và thi đấu vì tinh thần thể thao cao thượng, vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc”.

Thủ tướng nhắc lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn quan tâm công tác vận động nhân dân rèn luyện sức khỏe. Phát triển phong trào thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe cộng đồng cũng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Song song với thể thao quần chúng, chúng ta đẩy mạnh phát triển các môn thể thao thành tích cao và luôn quan tâm, tạo điều kiện để những người yếu thế, khuyết tật rèn luyện sức khỏe, khẳng định mình…

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích, kết quả mà ngành Thể dục thể thao đạt được trong thời gian qua trên cả 3 lĩnh vực: Thể dục thể thao quần chúng; Thể dục thể thao của người khuyết tật; Thể thao thành tích cao.

Phong trào thể dục thể thao quần chúng có nhiều nét mới, đạt nhiều kết quả đáng mừng. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đẩy mạnh. Hoạt động thể dục thể thao của người khuyết tật được quan tâm, đạt những thành tích rất đáng tự hào, tạo cơ hội cho người khuyết tật khẳng định mình, hòa nhập và đóng góp tích cực cho xã hội. Nhiều vận động viên thể thao người khuyết tật Việt Nam đã tạo được những dấu ấn khó quên như vận động viên cử tạ Lê Văn Công, vận động viên bơi Võ Thanh Tùng…

Thể thao Việt Nam gặt hái nhiều thành công ở đấu trường khu vực, châu lục và thế giới trong giai đoạn 2010-2020. Ảnh Bùi Lượng

Những thành tựu, thành tích là cơ bản và rất đáng tự hào, góp phần nâng cao sức khỏe và tinh thần của người dân để phục vụ 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền cảm hứng, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, củng cố đoàn kết, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. “Mỗi lần vận động viên của chúng ta nhận huy chương tại các đấu trường quốc tế, rất xúc động khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, tiếng quốc ca vang lên”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng mong muốn ngành Thể dục thể thao và các vận động viên, huấn luyện viên tiếp tục phát huy tinh thần này trong rèn luyện và thi đấu, luôn vươn lên phía trước, không thỏa mãn với thành tích đạt được, “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, tiếp tục khẳng định mình, đạt được những kết quả, thành tích cao hơn nữa.

Thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ cùng các cơ quan quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thể dục thể thao, thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực này. Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, sửa đổi ngay những vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền, những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. 

Thủ tướng cũng yêu cầu cần quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng, phân công, sàng lọc, quy hoạch, động viên và khích lệ các cán bộ trưởng thành từ ngành Thể dục thể thao. Đầu tư hơn nữa về lãnh đạo, chỉ đạo, cơ sở vật chất, phương pháp tổ chức rèn luyện… cho thể thao thành tích cao.

Thủ tướng nhấn mạnh, “dân cường thì quốc thịnh”. Chủ trương rất rõ của Đảng, Nhà nước là không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho con người, trong đó có việc chăm sóc, rèn luyện sức khỏe của người dân.

Trong khi đó, ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của ngành Thể thao thời gian qua, tại Đại hội đại biểu Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI (nhiệm kỳ 2021-2026), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiêm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Thời gian tới, chiến lược phát triển thể dục thể thao phải có bước tiến hài hòa cùng các lĩnh vực văn hóa, du lịch… tạo thành sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong đó, thể dục thể thao phải đóng vai trò chủ đạo đối với sự nghiệp bảo vệ, nâng cao sức khỏe, tạo dựng nhân cách và lối sống lành mạnh của các thế hệ người Việt Nam”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích, kết quả mà ngành thể dục, thể thao đạt được trong thời gian qua trên cả 3 lĩnh vực: Thể dục thể thao quần chúng; Thể dục thể thao của người khuyết tật và Thể thao thành tích cao. Ảnh VGP

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để phát triển thể thao học đường. Phải xây dựng chân đế của thể thao đủ mạnh bằng việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế thừa, quan tâm đến chế độ. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị thật tốt cho việc đăng cai SEA Games 31 vào tháng 5/2022″.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất giữ nguyên mô hình Tổng cục Thể dục thể thao

Để phát huy những giá trị to lớn của lĩnh vực thể thao trong giai đoạn hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề xuất giữ ổn định 21 cơ quan hành chính và 5 đơn vị sự nghiệp phục vụ nhà nước theo Nghị định số 79/2017NĐ-CP (ngày 17/7/2017).  

Trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 79/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban soạn thảo Nghị định đánh giá Thể dục thể thao là một trong những lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, góp phần thực hiện chủ trương tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế của đất nước.

Tổng cục Thể dục thể thao đáp ứng các tiêu chí thành lập Tổng cục bởi có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực lớn. Việc duy trì Tổng cục Thể dục thể thao được xác định là phù hợp với thông lệ quốc tế qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế về thể dục thể thao. Mô hình cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao độc lập cũng là mô hình phát triển trên thế giới.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến đánh giá Thể thao Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển để trở thành một ngành công nghiệp không khói góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh TDTT

Bà Lê Thị Hoàng Yến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao – cho biết: Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thể dục thể thao thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được quy định rõ trong Quyết định số 21/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 7/5/2018.

Theo đó, Tổng cục Thể dục thể thao có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền các Dự án Luật, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Dự án Pháp lệnh, Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; các Dự thảo Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ về Thể dục, thể thao và các Dự án, Đề án khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chiến lược, Quy hoạch tổng thể, Chương trình quốc gia phát triển thể dục, thể thao và các Dự án, công trình quan trọng quốc gia về thể dục, thể thao; các Dự thảo Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thể dục, thể thao; tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, các Đại hội Thể thao khu vực, châu lục và thế giới…

Bên cạnh đó, Tổng cục Thể dục thể thao giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch, Chương trình và các Dự án, Đề án về thể dục thể thao.

Về Thể dục thể thao cho mọi người, Tổng cục Thể dục thể thao giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hoạt động thể dục, thể thao; hướng dẫn các phương pháp tập luyện thể dục thể thao cho nhân dân phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, sức khỏe và tình trạng khuyết tật.

Đồng thời hướng dẫn các ngành, địa phương đào tạo, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao; phối hợp tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cộng tác viên thể dục thể thao cơ sở; chỉ đạo, tổ chức thi đấu thể thao quần chúng ở cấp quốc gia…

Về Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, Tổng cục Thể dục thể thao giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục thể chất trong trường học; quy định tiêu chuẩn rèn luyện thân thể và đánh giá kết quả rèn luyện thân thể của người học; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao; quy định hệ thống thi đấu thể thao trường học.

Về Thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, Tổng cục Thể dục thể thao giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao tổ chức hoặc phối hợp tổ chức Đại hội thể thao, giải vô địch từng môn thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam, Đại hội Thể thao toàn quốc sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; ban hành Luật thi đấu của các môn thể thao; Điều lệ thi đấu từng môn của Đại hội Thể thao toàn quốc; tổ chức, triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và y học trong lĩnh vực thể dục thể thao theo quy định của pháp luật…

Về cơ cấu tổ chức, Tổng cục Thể dục thể thao có Tổng cục trưởng và không quá 4 Phó Tổng cục trưởng. Tổng cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động theo quy định của pháp luật. Tổng cục Thể dục thể thao có có 18 đơn vị trực thuộc.

Ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I – khẳng định, việc ổn định và hoàn thiện bộ máy lãnh đạo ngành Thể thao sẽ là tiền đề để Thể thao Việt Nam phát triển hơn nữa

Ổn định bộ máy lãnh đạo là tiền đề để Thể thao Việt Nam vươn tầm

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 2198/QĐ-TTg), các chỉ tiêu lớn trong Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam cơ bản đã hoàn thành, góp phần tích cực vào thành công chung trong sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.

Tổ chức bộ máy ngành Thể dục thể thao tiếp tục được kiện toàn, củng cố; từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thể dục thể thao. Ở Trung ương, Tổng cục Thể dục thể thao thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thể dục thể thao trong phạm vi cả nước, quản lý các dịch vụ công về thể dục thể thao theo quy định của pháp luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường phân cấp quản lý cho Tổng cục Thể dục thể thao. Mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã phát huy hiệu quả đối với ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian qua; các hoạt động văn hóa – thể thao – du lịch được lồng ghép, phát huy hiệu quả trong sử dụng nguồn lực.

Bộ máy tổ chức của Tổng cục Thể dục thể thao từng bước được tinh gọn; đã thực hiện sắp xếp một bước các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Ở địa phương, trong giai đoạn vừa qua đã thực hiện sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn theo hướng Sở đa ngành.

Công tác phát triển thể dục thể thao quần chúng có nhiều chuyển biến rõ rệt, theo hướng đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao trong từng đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, nông dân, người cao tuổi.

Thể thao thành tích cao có sự phát triển mạnh cả về số lượng các môn, số lượng vận động viên cũng như thành tích thể thao. Trong giai đoạn vừa qua, đã tiếp tục định hình được các nhóm môn thể thao, nội dung thế mạnh phù hợp với thể hình, thể trạng và tố chất người Việt Nam để có khả năng cạnh tranh thành tích trong khu vực, châu lục và thế giới.

Theo đó, Thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Brazil 2016 và giành 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ tại Paralympic Brazil 2016. Olympic Tokyo 2020 giành 18 suất và Paralympic Tokyo 2020 giành 1 huy chương bạc. Tại ASIAD 18 năm 2018, Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành được 38 huy chương các loại, trong đó có 4 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ, xếp thứ 16/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, lần đầu tiên Việt Nam giành được huy chương vàng ở những môn thể thao Olympic là điền kinh, rowing.

Đặc biệt, bóng đá Việt Nam thể hiện sự tiến bộ vượt bậc ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục và lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối World Cup. Thành tích của bóng đá nước nhà đã tạo được những hiệu ứng xã hội tích cực, thông qua đó góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, tạo niềm tin về một Việt Nam trên đà phát triển.

Đúng như lời Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đáp từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 28/11 vừa qua: “Bóng đá là một trong những cầu nối văn hóa hiệu quả nhất giữa nhân dân các nước, qua đó đóng góp cho hòa bình thế giới. Việt Nam có chính sách phát triển thể thao đúng đắn, trong đó có phát triển bóng đá. Nhờ đó, phong trào bóng đá ở Việt Nam đang phát triển lớn mạnh và các đội bóng của Việt Nam liên tục tiến bộ, ngày càng cải thiện được vị trí trên Bảng xếp hạng của FIFA”.

Sau những thành tích đã đạt được, Phó Tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến cũng cho biết, ngành Thể dục thể thao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục xây dựng “Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Trong chiến lược lần này, ngành Thể thao xác định thể dục thể thao là bộ phận quan trọng trong chính sách xã hội nhằm góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn minh; góp phần chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện về thể chất, đạo đức, bản lĩnh và lối sống lành mạnh, tích cực. Xây dựng nền thể dục thể thao tiên tiến, mang tính dân tộc, khoa học và nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội và của mỗi người dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Đầu tư cho thể dục thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện chính sách đầu tư, phân bổ nguồn lực cho công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao quốc gia, ứng dụng khoa học – công nghệ; quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sự nghiệp thể dục thể thao, đồng thời tạo các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế trong các hoạt động thể dục thể thao.

Phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng là nền tảng để phát hiện, bồi dưỡng tài năng thể thao; ứng dụng khoa học – công nghệ trong đào tạo vận động viên là then chốt; thực hiện chính sách đãi ngộ là đòn bẩy để phát triển thể thao thành tích cao. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính kế thừa, ổn định, khoa học, có lộ trình phù hợp trong công tác đào tạo vận động viên thể thao, nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với thế giới. Ưu tiên đầu tư trọng điểm, chuyên biệt cho công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự các kỳ Đại hội thể thao châu lục, thế giới.

Triển khai Chiến lược một cách đồng bộ với lộ trình phù hợp, vừa có bước đi tuần tự, vừa có bước đột phá theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực đầu tư. Coi trọng phương thức đổi mới, sáng tạo, phát huy tiềm năng và nội lực của ngành Thể dục thể thao, kết hợp với tranh thủ sự ủng hộ của các ngành, các cấp và của mỗi người dân nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược.

Ngành Thể dục thể thao đặt ra nhiều mục tiêu lớn trong “Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” – Ảnh Bùi Lượng

Mục tiêu được ban soạn thảo chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2050 hướng đến là phát triển phong trào thể dục thể thao cho mọi người, tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cập và tham gia hoạt động thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực, phòng, chống bệnh tật, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tăng cường đầu tư và có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng tài năng thể thao, đưa thể thao Việt Nam đạt vị trí cao ở châu lục và từng bước tiếp cận với thế giới ở những môn thể thao Việt Nam có ưu thế. Đổi mới phương thức quản lý và tổ chức hoạt động thể dục, thể thao, chuyển dần các hoạt động thể thao thành tích cao sang cơ chế chuyên nghiệp; tạo môi trường thúc đẩy các hoạt động kinh tế dịch vụ trong lĩnh vực thể dục thể thao.

Trước những mục tiêu lớn được ngành Thể thao đặt ra trong “Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, bà Lê Thị Hoàng Yến thừa nhận, việc giữ ổn định và hoàn thiện bộ máy tổ chức của ngành Thể thao là hết sức quan trọng.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục thể thao) – cho biết, những nguyên nhân làm cho thành tích thể thao chưa bền vững thời gian qua có thể kể đến do sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan quản lý điều hành thể dục thể thao chưa thật sâu sát, cụ thể. Điều này cũng bắt nguồn từ việc ngành Thể dục thể thao đã sáp nhập vào Bộ chủ quản, chưa có được cơ chế hoạt động riêng biệt để tạo ra điều kiện tốt nhất nhằm thực hiện bài bản công việc của mình.

Do đó, muốn xây dựng Chiến lược mới, chúng ta cần phải có nhân lực, gồm bộ máy và con người, để đáp ứng các nhiệm vụ. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ rất quan trọng và đây là một trong những nguyên nhân, hạn chế cần phải thay đổi.

Theo ông Minh, ở cấp Trung ương cần có ít nhất 1 Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực Thể thao. Tổng cục Thể dục thể thao và các Hiệp hội thành viên cũng cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân quyền, phân cấp cụ thể.

Thứ hai, phải kiện toàn, đổi mới hệ thống tổ chức ngành Thể dục thể thao nước nhà. Tạo ra được đội ngũ cán bộ ổn định, chuyên môn cao, cơ sở vật chất và khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu.

Do đó, ở cấp cơ sở, cần Giám đốc Sở hoặc Phó Giám đốc Sở phụ trách lĩnh vực Thể thao. Theo ông Minh, việc phát triển thể thao ở cấp cơ sở hiện nay là chưa được quan tâm đúng mức, điều này dẫn đến ngành Thể dục thể thao sẽ thiếu những lứa vận động viên đỉnh cao kế cận các đàn anh đi trước.

Ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh, chiến lược cùng những phương thức để Thể thao Việt Nam phát triển trong thời gian tới, cơ bản vẫn dựa vào những Nghị quyết của Nhà nước đối với hoạt động thể dục thể thao. Cụ thể là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020; Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020.

Hoàng Anh

Nguồn: thethaovietnamplus.vn

spot_imgspot_img
spot_img

MỚI NHẤT

spot_img