Hotline: 0931 643 075      Email: ttvietnammedia@gmail.com

spot_img

Kiên Giang tăng cường đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ

XEM NHIỀU NHẤT

spot_img

CÙNG CHUYÊN MỤC

Những năm gần đây, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm đến công tác đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ làm nền tảng vững chắc để đầu tư phát triển thể thao thành tích cao.

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư tuyển chọn, đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ ở các môn truyền thống thế mạnh của địa phương, ngành Văn hóa và Thể thao mạnh dạn phát triển các môn thể thao mới, nhất là các môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic và Asiad. Năm 2014, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Kiên Giang giai đoạn năm 2014-2020. Do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của địa phương còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu tập luyện và còn thiếu huấn luyện viên ở các môn mới đầu tư, nên ngành Văn hóa và Thể thao đã tăng cường liên kết đào tạo vận động viên với Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia tại Cần Thơ. Đã có hơn 30 vận động viên các môn: Cử tạ, Bắn cung, Bóng chuyền bãi biển, Boxing, Canoeing và Rowing được cử tập trung đào tạo huấn luyện dài hạn tại đây.

Song song với đào tạo vận động viên các môn nói trên tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Cần Thơ, công tác huấn luyện vận động viên các tuyến năng khiếu, trẻ và tuyển tiếp tục được đầu tư tập trung tại địa phương của tỉnh. Đặc biệt, việc tuyển chọn, sàng lọc, đào tạo vận động viên năng khiếu, chuẩn bị nguồn kế thừa cho tuyến trẻ và tuyển được duy trì khá tốt. Giai đoạn 2016-2020, Trường Năng khiếu Thể dục thể thao tỉnh thường xuyên đào tạo vận động viên năng khiếu từ 6-8 môn với khoảng gần 400 vận động viên tham gia, tập trung ở các môn: Cờ vua, Điền kinh, Bóng chuyền, Bóng đá, Quần vợt, Vovinam, Bơi lội… Việc tuyển chọn, đào tạo, sàng lọc vận động viên các lớp năng khiếu được ngành có kế hoạch thực hiện định kỳ hàng năm thông qua nguồn trực tiếp tuyển chọn tại cơ sở, qua các giải thể thao cấp tỉnh, cấp huyện, Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội Thể dục thể thao các cấp… Ngành đã phối hợp với các địa phương duy trì đào tạo thông qua các lớp vệ tinh tại cơ sở như: đào tạo vận động viên năng khiếu Cờ vua tại huyện Tân Hiệp; các lớp võ thuộc câu lạc bộ võ thuật Vovinam, Taekwondo, Karate, Võ cổ truyền; Thể hình và Fitness… tại các huyện, thành phố.

Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và các cấp, các ngành, những môn thể thao vốn được xem là thế mạnh, truyền thống của tỉnh Kiên Giang như: Cờ vua, Quần vợt, Điền kinh, Thuyền truyền thống, Ghe ngo, Võ cổ truyền, Vovinam… tiếp tục gặt hái thành công ở các đấu trường trong nước và quốc tế. Những môn thể thao mới đầu tư thực hiện Đề án phát triển thể thao thành tích cao như: Cử tạ, Bóng chuyền bãi biển nữ, Canoeing, Boxing, Bắn cung, Thể hình và Fitness,… đã có thành tích ở các giải trẻ, giải vô địch quốc gia. Giai đoạn 2016-2020, các đội tuyển của tỉnh tham dự 138 giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đạt 445 huy chương các loại, trong đó có 37 huy chương quốc tế (13 huy chương vàng, 16 huy chương bạc và 8 huy chương đồng). Đến nay, đội tuyển thể thao các tuyến của tỉnh có khoảng 130 vận động viên, trong đó có 38 vận động viên đội tuyển tỉnh, còn lại là các đội tuyển trẻ và tuyển năng khiếu; có 6 vận động viên đạt đẳng cấp Kiện tướng quốc tế, 9 vận động viên Kiện tướng quốc gia, 10 vận động viên được tập trung vào đội tuyển trẻ quốc gia ở các môn: Bóng chuyền bãi biển nữ, Bắn cung, Boxing, Cử tạ, Canoeing.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao, mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ, nhưng kết quả đạt được chưa cao, mới đạt khoảng 30% về kinh phí đầu tư và số lượng vận động viên tuyển chọn so với lộ trình của Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2014-2020. Có nhiều nguyên nhân như sự thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí đầu tư; chế độ dinh dưỡng, tiền công, khen thưởng còn thấp; lực lượng huấn luyện viên mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm; việc tuyển chọn vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ còn nhiều khó khăn…

Hiện nay, một số tỉnh, thành phố có trường phổ thông năng khiếu thể thao thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phối hợp đào tạo vận động viên năng khiếu tập trung. Với Kiên Giang, chức năng này nay thuộc về Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh (từ tháng 7 năm 2020 Trường Năng khiếu Thể dục thể thao đã sáp nhập với Trung tâm). Mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng đây cũng được xem như cơ hội để đơn vị chủ động tham mưu xây dựng đề án, kế hoạch một cách khoa học, hệ thống, bài bản công tác đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ nói riêng, phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Kiên Giang nói chung giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.

Đồng Bằng

Nguồn: thethaovietnamplus.vn

spot_imgspot_img
spot_img

MỚI NHẤT

spot_img