Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về hoặc trong các dịp lễ hội, đình đám, người Việt Nam thường tổ chức các trò vui chơi truyền thống như đánh đu, chọi gà, đấu vật, đánh cờ. Đây cũng là dịp để mọi người tụ họp, tận hưởng không khí vui vẻ đầu năm, trong đó, cờ Tướng là thú chơi tao nhã, thu hút nhiều người tham gia.
Chơi cờ Tướng là cuộc đấu trí bình đẳng giữa 2 bên, khi bắt đầu chơi, mỗi bên đều có 16 quân, thể hiện sự ngang bằng về thế lực. Việc phân thắng, bại đều do tài trí, trình độ của người chơi, hơn là yếu tố đỏ đen, may rủi. Theo luật chơi, 2 bên bình đẳng về số quân nhưng ngoại lệ cũng có những trường hợp người nọ “chấp” người kia bằng cách tự bỏ bớt quân của mình, cũng có thể là “chấp” nước đi ngay từ lúc bắt đầu khai cuộc. Như vậy, họ tự thể hiện đẳng cấp của mình về tài trí trên bàn cờ nếu như kết thúc giành được phần thắng.
Những người sành cờ và có đầu óc quan sát tinh tế sẽ nhìn nhận, phán đoán được tính cách người chơi như nhìn chữ viết để đoán nết người. Thông thường, người nóng nảy thì hay hiếu thắng, vội vàng hấp tấp, thích tấn công ngay từ khi khai cuộc. Người linh hoạt thì tính toán kỹ lưỡng, xử lý tình huống nhanh gọn, quyết đoán, luôn có những nước cờ hay, sáng tạo, đôi khi còn dùng mẹo để dụ đối phương hoặc tấn công khi họ có sơ hở… Với người quân tử thì không bao giờ chiếu tướng quá 3 lần và không dùng quân xe để chiếu hậu vì như vậy là đánh sau lưng, chẳng hay ho gì.
Bắt nguồn từ niềm yêu thích, say mê ấy, thú chơi cờ tướng ngày càng được lan tỏa, tạo thành nét đẹp, phong trào, kết nối cộng đồng, nhiều câu lạc bộ cờ Tướng hình thành và phát triển khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Ở Tuyên Quang, những năm gần đây, chơi cờ tướng không còn mang tính tự phát, thú vui bình dân, tao nhã, mà đã có sự chuyên nghiệp hơn. Toàn tỉnh hiện nay, có trên 1.000 người biết chơi và đam mê môn cờ tướng sinh hoạt trong hơn 30 CLB thuộc các tổ dân phố. Hàng năm, vào các dịp nghỉ Hè, Trung tâm Văn hóa Thanh Thiếu nhi tỉnh tổ chức các lớp dạy chơi cờ tướng cho các lứa tuổi. Tại giải thể thao của các cơ quan đoàn thể, môn cờ Tướng cũng được đưa vào chương trình thi đấu.
Tỉnh Nam Định có phong trào cờ Tướng phát triển mạnh trong các tầng lớp nhân dân, từ người cao tuổi, cán bộ về hưu đến thanh, thiếu niên. Theo thống kê của ngành Thể dục thể thao, 100% các xã, phường, thị trấn đều có hoạt động thi đấu, giao lưu cờ Tướng, trong đó có khoảng gần 100 xã, phường, thị trấn đã thành lập được câu lạc bộ cờ tướng, trung bình mỗi câu lạc bộ có từ 15-20 người, lực lượng nòng cốt là hội viên Hội Người cao tuổi. Ngoài ra, còn có hàng chục câu lạc bộ cờ tướng của các hội, đoàn thể, câu lạc bộ hưu trí… với số lượng hàng trăm người chơi thường xuyên. Còn ở tỉnh Hậu Giang có 110 câu lạc bộ cờ Tướng dành cho người cao tuổi ở các địa phương, với khoảng hơn 1.300 người cao tuổi tham gia…
Hiện nay, để phát triển môn cờ Tướng như một thú chơi lành mạnh, nhiều địa phương đã đưa môn cờ tướng vào các lễ hội đầu năm và môn thể thao này ngày càng phổ biến hơn trong giới trẻ. Do vậy, du Xuân trẩy hội, bên cạnh sự náo nhiệt của những trò chơi dân gian như: chọi gà, tổ tôm; các môn thể thao truyền thống như đấu vật, đẩy gậy, kéo co… thiên về sức mạnh thì đấu cờ là sân chơi của sự tinh tế và trầm tĩnh, có giá trị tinh thần.
Lê Minh
Nguồn: thethaovietnamplus.vn