Hotline: 0931 643 075      Email: ttvietnammedia@gmail.com

spot_img

Cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt 

XEM NHIỀU NHẤT

spot_img

CÙNG CHUYÊN MỤC

Chiều ngày 10/2, Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đã được diễn ra tại Hà Nội với mục tiêu chăm sóc, bảo đảm sự phát triển toàn diện thể chất, tinh thần cho học sinh. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố – Ảnh: Quý Lượng

Tới dự Lễ công bố có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; đại diện các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành trong triển khai Chương trình và lãnh đạo các tỉnh, thành phố. 

Tạo ra sức mạnh tổng hợp

Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 được tổ chức trực tuyến từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế với 63 tỉnh, thành phố và kết nối tới hơn 41.000 trường học trong cả nước.

Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe các cháu là trách nhiệm không chỉ của gia đình mà còn của cộng đồng, của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị”. Ảnh: Quý Lượng

Bà Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo – cho biết: Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 nhằm duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh. Chương trình đã đề ra 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp, với sự tham gia có 9 Bộ, ngành, UBND của 63 tỉnh thành.

Công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học sẽ hướng tới các mục tiêu như 80% trường học bố trí ít nhất 1 khu vực bảo đảm các trang thiết bị dụng cụ cần thiết, 85% trường học tổ chức hoạt động vận động thể lực phù hợp cho học sinh thông qua các hoạt động thể thao ngoại khóa, 100% trường học tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại thể lực học sinh theo quy định (đối với các trường học phổ thông), 100% trường học định kỳ tổ chức thi đấu thể thao theo quy định của pháp luật về thể dục thể thao, 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể thất và được tập huấn bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ,… 

Trong đó, đổi mới công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học cần nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức kiểm tra đánh giá môn học giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục phổ thông mới một cách thiết thực, hiệu quả theo hướng cá thể hóa người học; cải thiện nội dung và hình thức.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi Lễ công bố. Ảnh: Quý Lượng

Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp triển khai hướng dẫn việc sử dụng các thiết chế thể thao gắn với trường học, bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm hỗ trợ học sinh rèn luyện thể chất; tham gia hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình, lồng ghép với triển khai Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm có người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; xây dựng phổ biến các quy định về thời gian hoạt động thể lực cho học sinh trong trường học phù hợp với lứa tuổi, đối tượng, cấp học và vùng, miền. 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Hai Bộ Giáo dục đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành ký kết Chương trình chương trình sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp thực hiện bằng được lời căn dặn của Bác Hồ: “Vì lợi ịch 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. 

Để thực hiện bằng được với mục tiêu năm sau hoàn thành tốt hơn năm trước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục quan tâm phối hợp, đồng hành ủng hộ chủ đề năm công tác của Bộ về năm văn hóa cơ sở để tập trung xây dựng văn hóa trong nhà trường, để trường học trở thành trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người từ lý tưởng phẩm chất lối sống, giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Thực hiện nguyên lý giáo dục, gắn chặt giữa gia đình, nhà trường và xã hội để xây dựng thế hệ học sinh, sinh viên, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức lối sống, nhân cách, hiểu biết sâu sắc, tôn vinh lịch sử dân tộc cho các em học sinh sinh viên hướng tới  giá trị chân thiện mỹ, nâng cao thể lực, tầm vóc của con người Việt Nam gắn với giáo dục thể chất với giáo dục tri thức. 

Hai lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026. Ảnh: Quý Lượng

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội

Hiện Việt Nam có hơn 22 triệu trẻ em, học sinh (tương đương 25% dân số Việt Nam) được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học. Với thông điệp “Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh”, lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về sức khoẻ học đường với Chương trình tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện, cùng với đó là những trách nhiệm và hy vọng lớn lao về những ngôi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh. Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khoẻ mạnh, năng động, trưởng thành.

Toàn cảnh buổi Lễ công bố. Ảnh: Quý Lượng

Phát biểu tại Lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cùng với việc mở cửa trường học trở lại trên phạm vi cả nước, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần khẳng định quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, học sinh, dành những gì tốt nhất có thể cho thế hệ tương lai – thế hệ góp phần quan trọng quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong những năm tới. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe các cháu là trách nhiệm không chỉ của gia đình mà còn của cộng đồng, của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

Thủ tướng Chính phủ bày tỏ, hơn 24 tháng phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tất cả chúng ta, nhất là trẻ em. Những đợt giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các cháu phải trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, thầy cô; rời xa những không gian, những trò vui của tuổi thơ. Các cháu ít được vận động ngoài trời, thiếu tương tác xã hội, không được giao lưu với bạn đồng lứa.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến và huy động các nguồn lực hợp pháp để triển khai Chương trình.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt tinh thần chung là: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó ngành Giáo dục và ngành Y tế đóng vai trò nòng cốt; các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp về chuyên môn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Lễ công bố. Ảnh: Quý Lượng

Cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất. Gia đình và nhà trường phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em và chúng ta còn phải suy nghĩ, phải chung tay, phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ, phải hành động khi bên cạnh chúng ta vẫn còn những trẻ em chưa được bảo vệ, chưa được chăm sóc, còn đối mặt những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, sức khỏe, tinh thần.

Tiếp tục cải thiện hệ thống nhà vệ sinh trường học và cơ sở vật chất để các cháu có không gian rèn luyện sức khỏe, chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, nhất là có giải pháp giảm tỷ lệ trẻ đuối nước. Cải thiện bữa ăn, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt ở những khu vực ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Giảm tải chương trình học, trước hết là ở bậc tiểu học để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻThủ tướng cũng cho rằng: phải đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao và thay đổi tư duy, rèn luyện hoạt động thể chất không chỉ 1 tuần có 2-3 tiết. Thay đổi thì phải nghiên cứu các nền giáo dục tiên tiên các nước, nhưng vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong điều kiện của Việt Nam, phải điều chỉnh lại. 

“Cùng với mở cửa trở lại trường học, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh. Đây là một trong những việc trọng tâm hiện nay”, Thủ tướng yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Lễ công bố. Ảnh: Quý Lượng

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định “tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”; “gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”. Trẻ em là tương lai của đất nước, nhưng chúng ta chăm sóc, bảo vệ tốt nhất trẻ em không chỉ vì tương lai của đất nước mà còn hơn thế nữa.

Cũng tại buổi Lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các Bộ, ngành, đơn vị liên quan đã thực hiện nghi thức công bố Chương trình sức khỏe học đường.

Đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã ký kết Chương trình phối hợp về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022-2026. Đại diện lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026.

Bùi Lượng 

Nguồn: thethaovietnamplus.vn

spot_imgspot_img
spot_img

MỚI NHẤT

spot_img