Tuyển chọn và đào tạo vận động viên trẻ trong hệ thống đào tạo vận động viên thể thao hiện nay là mắt xích quan trọng, cơ bản nhằm bổ sung lực lượng và nâng cao thành tích cho đội tuyển thể thao thành tích cao. Nếu tuyển chọn không tốt sẽ dẫn đến đào tạo không hiệu quả, gây tốn kém trong đào tạo; tuyển chọn không tốt làm mất đi cơ hội phát triển nhân tài, dẫn đến hiệu quả thi đấu không như mong muốn. Để có được những vận động viên đạt được thành tích cao trong hệ thống đào tạo vận động viên hiện nay, thì công tác tuyển chọn và huấn luyện giữ vai trò quan trọng.
Tổ chức huấn luyện là khâu then chốt của quá trình đào tạo vận động viên trẻ, nội dung chủ yếu là huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực và tâm lý. Nếu tổ chức tốt quá trình này sẽ tạo điều kiện vững chắc cho quá trình huấn luyện nâng cao và vận động viên sẽ nhanh chóng phát huy tối ưu khả năng vốn có của bản thân để sẵn sàng đạt thành tích cao. Ngược lại, quá trình tổ chức huấn luyện không tốt, thiếu khoa học sẽ gây cản trở rất lớn cho quá trình huấn luyện nâng cao, thậm chí làm mất đi cơ hội giành thành tích cao của vận động viên.
Huấn luyện kỹ thuật động tác sai sẽ hình thành kỹ xảo sai lệch cho vận động viên. Như vậy hiệu quả thi đấu không đạt tối ưu, quá trình huấn luyện nâng cao tốn nhiều thời gian để sửa chữa, khắc phục sai lầm làm ảnh hưởng tới kế hoạch chung của đội tuyển thể thao. Huấn luyện chiến thuật sai sẽ tạo cho vận động viên thiếu chủ động sáng tạo, thiếu tự tin và tính quyết đoán trong tập luyện và thi đấu, hạn chế thành tích thi đấu của vận động viên. Huấn luyện thể lực không đúng phương hướng sẽ dẫn đến những hậu quả sau: Nếu tập luyện quá sức làm cho vận động viên suy giảm khả năng hoạt động thể lực, thậm chí suy nhược cơ thể dẫn đến những bệnh lý rất nguy hiểm cho vận động viên như bệnh lao lực do tập luyện quá sức trong thời gian dài, bệnh thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm do vận động viên phải khắc phục trọng lượng phụ quá cao và ở tư thế sai.
Tập luyện chưa tới ngưỡng hoặc chưa vượt ngưỡng sẽ không khai thác hết tiềm năng của vận động viên (không có tác dụng phát triển thể lực cho người tập), như vậy thành tích thể thao không được nâng cao. Tập luyện không tuân thủ các nguyên tắc huấn luyện và không vận dụng các cơ chế thích nghi sẽ thường xuyên tạo nên những động tác mới lạ làm cho cơ thể vận động viên không kịp thích nghi mà thường xuyên xảy ra phản ứng xấu, như vậy thành tích sẽ không được nâng cao. Nhưng nếu tập thường xuyên một nội dung và phương pháp trong thời gian kéo dài sẽ hình thành hàng rào thành tích (hay còn gọi là hàng rào tốc độ hoặc sức ỳ) cho vận động viên, thành tích của vận động viên cũng bị hạn chế, phải tốn rất nhiều thời gian mới có thể xóa bỏ được hàng rào đó và nhiều cơ hội đạt thành tích thể thao cao bị bỏ lỡ.
Công tác tổ chức quản lý là quá trình duy trì và phát huy những thành quả của quá trình huấn luyện và tuyển chọn đạt được. Nếu tổ chức quản lý không đúng phương pháp sẽ tạo cho vận động viên có điều kiện sống buông thả, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, sa đà vào các tệ nạn xã hội… làm mất đi những phẩm chất cao quý và làm giảm khả năng tập luyện và thi đấu.
Thể thao thành tích cao Bình Định thời gian qua đã hình thành hệ thống đào tạo vận động viên tương đối hợp lý, những mô hình từ tuyến đào tạo vận động viên năng khiếu thể thao đến tuyến đào tạo vận động viên thành tích cao, từ các vệ tinh, các câu lạc bộ cấp xã, huyện đến các trung tâm đào tạo cấp tỉnh ở từng môn thể thao. Tuy nhiên, quá trình tổ chức tuyển chọn đào tạo còn một số bất cập, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân phần lớn là do cán bộ, huấn luyện viên còn thiếu tri thức khoa học trong công tác huấn luyện, không phân biệt được ranh giới và tỷ lệ phù hợp giữa các nội dung huấn luyện ở các thời kỳ huấn luyện, hầu hết theo kinh nghiệm mà không có căn cứ khoa học. Đây là vấn đề băn khoăn trong quá trình đào tạovận động viên trẻ ở Bình Định hiện nay.
Quá trình đào tạo vận động viên trẻ thường từ 7 đến 10 năm, tùy thuộc vào từng môn thể thao, từ tuổi nhi đồng đến hết tuổi thiếu niên. Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ đặt ra trong quá trình tuyển chọn và đào tạo vận động viên trẻ đòi hỏi người huấn luyện viên phải có kiến thức sâu rộng. Huấn luyện viên vừa là nhà chuyên môn giỏi, vừa là nhà sư phạm mẫu mực, vừa là nhà tâm lý đồng thời là một bác sĩ, nhà quản lý và nhà xã hội học. Thực tế công tác đào tạo trẻ ở Bình Định hiện nay, hầu hết các huấn luyện viên quan tâm đến huấn luyện các năng lực vận động cho vận động viên trẻ mà quên đi các mặt giáo dục và rèn luyện khác cho họ. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả đào tạo vận động viên trẻ trong những năm qua chưa cao.
Thực tế, công tác tuyển chọn vận động viên trẻ và đào tạo thể thao thành tích cao của Bình Định thời gian qua đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ; nhiều vận động viên xuất sắc đạt thành tích quốc gia, quốc tế như: vận động viên Nguyễn Thị Hằng Nga, (huy chương vàng môn Kicboxing SEA Games 30); vận động viên Phạm Thị Hồng Lệ huy chương bạc môn chạy 10.000m SEA Games 30); vận động viên Nguyễn Thị Thanh Hồng (huy chương vàng Quốc gia môn Cở tướng); vận động viên Hồ Tấn Tài, vận động viên Cao Văn Triền môn Bóng đá… Để đạt được những kết quả cao hơn, nhiều hơn, vững vàng hơn, ngay từ bây giờ công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao phải có sự đổi mới theo hướng tích cực, chuyên môn hóa sâu; bên cạnh đó Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao, Trung tâm Võ thuật cổ truyền mạnh dạn đề xuất, đưa các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trong công tác tuyển chọn và đào tạo vận động viên.
Có thể khẳng định, quá trình tổ chức tuyển chọn và đào tạo vận động viên trẻ đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với thể thao thành tích cao. Trong thời gian tới, nếu làm tốt công tác này sẽ giúp thể thao Bình Định có được lực lượng kế cận hùng hậu bổ sung kịp thời cho tuyến trên. Đồng thời, đây cũng là tiền đề vững chắc cho giai đoạn huấn luyện nâng cao. Hy vọng, thành tích thể thao của tỉnh được duy trì và ngày càng phát triển vững chắc.
Nguyễn Văn Long/ Sở VHTTDL Bình Định
Nguồn: thethaovietnamplus.vn