Hotline: 0931 643 075      Email: ttvietnammedia@gmail.com

spot_img

Tập huấn giám sát, trọng tài các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2022: Cần lượng hay cần chất

XEM NHIỀU NHẤT

spot_img

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theo đúng thông lệ, trước mỗi mùa giải Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đều tổ chức các lớp tập huấn giám sát, trọng tài sẽ tham gia điều hành tại các giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Ngoài việc cập nhật các sửa đổi, bổ sung về Luật thi đấu và trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm cầm còi tại các trận đấu, các trọng tài còn phải trải qua các bài kiểm tra thể lực…

Tập huấn giám sát, trọng tài các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2022. Ảnh: VFF

Hằng năm, các lớp tập huấn trọng tài, giám sát đều được tổ chức 2 lần trước và giữa mùa giải. Nói là tập huấn, nhưng chủ yếu vẫn là các bài kiểm tra thể lực còn chuyên môn… chưa hề thấy ai bị đánh trượt. Thậm chí, có trọng tài bị các đội kêu ca, thường xuyên mắc lỗi qua nhiều mùa giải nhưng vẫn được giao nhiệm vụ. Chất lượng “đầu vào” như vậy nên các trọng tài dù có tập huấn “xuân thu nhị kỳ” nhưng khi cầm còi ra sân vẫn thường mắc lỗi. Kỷ luật bằng hình thức đình chỉ làm nhiệm vụ hay không mời các trọng tài bị cho là “có vấn đề” mùa nào cũng có, cái chính là niềm tin của các đội bóng và người hâm mộ dành cho các vị “vua sân cỏ” có được cải thiện qua các mùa giải.

Năng  lực điều hành của các trọng tài không chỉ ảnh hưởng đến kết quả của một vài trận đấu mà còn quyết định đến số phận các đội bóng và sự thành bại của cả một mùa giải. Trong quá khứ, V-League đã từng chứng kiến nhiều sự cố nghiêm trọng liên quan đến các trọng tài mà đỉnh điểm là việc 9 trọng tài trong đó có 7 trọng tài cấp FIFA phải hầu tòa liên quan tới các vụ nhận hối lộ để làm sai lệch tỷ số một số trận đấu ở mùa giải 2004 và 2005. Hầu như mùa bóng nào cũng có các trọng tài bị xử lý, nhẹ thì cảnh cáo còn nặng hơn bị treo còi, thậm chí còn bị các đội bóng đòi tẩy chay. Điều quan trọng nhất chính là  hình ảnh của những vị “vua sân cỏ”, những người giữ vai trò “cầm cân nảy mực” bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau những sự cố, làm mất niềm tin của các đội bóng và người hâm mộ.

Sở dĩ các đội bóng, cổ động viên không mấy thiện cảm với các trọng tài ngoài lý do chính là do năng lực yếu, không nắm vững phương pháp trọng tài… còn có nguyên nhân từ tâm lý ngại đụng chạm, không dám mạnh tay với đội chủ nhà nên dễ dẫn đến sai lầm, ảnh hưởng tới kết quả trận đấu. Tất nhiên, cả VFF, VPF và ban tổ chức giải đều biết rất rõ những nhược điểm của các trọng tài và trong các đợt tập huấn trọng tài, một trong những nội dung tốn nhiều thời gian nhất là tiến hành mổ xẻ, phân tích các tình huống điển hình để rút kinh nghiệm. Việc phân công trọng tài dựa trên năng lực, nhưng trong bối cảnh  trọng tài đạt chuẩn FIFA ở mùa giải 2022 chỉ có 3, chưa biết Ban trọng tài sẽ phải “liệu cơm gắp mắm” thế nào cho hợp lý.

Trước mùa giải 2021, khi bóng đá còn chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, VFF đã từng mời các trọng tài ngoại đến làm nhiệm vụ ở V-League, đặc biệt ở những trận đấu quan trọng cuối mùa giải. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, việc đi lại khó khăn nên giải pháp này khó có thể thực hiện. Không ít người lo lắng khi nhìn vào thực tế, trọng tài trong nước tuy nhiều nhưng những người có đủ năng lực cầm còi ở V-League chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể tới áp lực tâm lý, không ít trọng tài Việt Nam dù được đánh giá có đủ năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm, từng nằm trong danh sách các trọng tài cấp cao, đạt chuẩn Elite của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), nhưng khi cầm còi ở V-League vẫn mắc sai lầm.

VPF từng tính tới việc sử dụng công nghệ VAR ở V-League để giảm thiểu sai sót từ các trọng tài, nhưng nói thì dễ còn làm được hay không mới là khó. Ngoài số tiền đầu tư tương đối lớn, để được FIFA cấp phép sử dụng VAR, cần phải có đội ngũ các chuyên gia vận hành thiết bị và các tổ trọng tài VAR được đào tạo theo chuẩn FIFA. Trong khi V-League chưa sẵn sàng nên vẫn phải dựa vào năng lực và sự công tâm của các trọng tài. Mùa bóng 2022 sắp khởi tranh và vấn đề trọng tài lại tiếp tục khiến nhiều người phải lưu tâm. Trong bối cảnh dịch bệnh, yếu tố đảm bảo an toàn sức khỏe cho các thành viên dự giải cần phải được đặt lên hàng đầu, trong đó có các trọng tài, giám sát những người trực tiếp tham gia vào công tác tổ chức trận đấu phải nắm vững tất cả các quy định, quy trình liên quan đến công tác phòng, chống dịch trước, trong và sau mỗi trận đấu.

V-League 2022 sẽ khai mạc vào ngày 25/2 với 6 trận mở màn trên các sân cỏ cả nước. Sau 4 vòng đấu, các đội sẽ bước vào kỳ nghỉ kéo dài 4 tháng và vòng 5 sẽ trở lại vào ngày 2/7. Một mùa giải được dự báo có nhiều thách thức khi các câu lạc bộ vừa đá bóng vừa lo chống dịch.

Việt Hưng

Nguồn: thethaovietnamplus.vn

spot_imgspot_img
spot_img

MỚI NHẤT

spot_img