Hotline: 0931 643 075      Email: ttvietnammedia@gmail.com

spot_img

V-League 2022: Đường dài mới biết ngựa hay

XEM NHIỀU NHẤT

spot_img

CÙNG CHUYÊN MỤC

V-League 2022 sẽ khởi tranh vào ngày 25/2, trước vạch xuất phát, người hâm mộ đang bị thu hút vào những bản hợp đồng đình đám được kích hoạt bởi những đội bóng “đại gia” mới. Trong số đó, cái tên được chú ý nhất mùa này đang là Topenland Bình Định với “gói đầu tư” lên đến hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp đội hình, theo đuổi cuộc đua vô địch…

Topenland Bình Định có sự đầu tư cực lớn ở V-League 2022

Trước Topenland Bình Định, V-League cũng đã từng chứng kiến không ít đại gia bỏ tiền tấn đầu tư, với tham vọng biến đội bóng trở thành thế lực thực sự ở sân chơi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thành công thì ít trong khi không ít đại gia mới nổi phải nhận trái đắng khi thành tích không song hành với chi phí bỏ ra. Thậm chí có không ít câu lạc bộ bị xóa sổ hoặc tự giải thể chỉ sau một vài mùa giải. Có thể kể ra hàng loạt “ông lớn” như Xi măng Xuân Thành, Navibank Sài Gòn, Xi Măng Vissai Ninh Bình, Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB… những đội bóng từng được xếp vào hàng “đại gia”, giàu có bậc nhất ở V-League có vòng đời ngắn ngủi.  

V-League mùa này, Topenland Bình Định đang nổi đình nổi đám với những bản hợp đồng “bom tấn” để gom về sân Quy Nhơn những “ngôi sao lớn” từ khắp các câu lạc bộ.  Từ một đội bóng chìm trong khủng hoảng cuối mùa bóng 2014, khi Bình Định bỏ giải và phải xuống thi đấu ở hạng Ba với nguồn kinh phí eo hẹp, mãi đến năm 2018, đội chủ sân Quy Nhơn giành được quyền lên chơi ở giải hạng Nhất. Phải đợi thêm 3 năm nữa, bóng đá Bình Định mới quay trở lại V-League sau 12 năm vắng bóng. Mùa bóng 2021, sau 12 vòng đấu Bình Định với tư cách tân binh chỉ về đích ở vị trí thứ 9 trước khi giải đấu bị hủy bỏ.

Mùa bóng này, Bình Định tiếp tục nhận được sự đầu tư mạnh mẽ để nâng cấp đội hình. Theo đó, hàng loạt tân binh từ các đội bóng khác cập bến Quy Nhơn để khoác áo Topenland Bình Định trong đó có nhiều gương mặt nổi bật như Đức Chinh, Đình Trọng, Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Ðỗ Văn Thuận, Thanh Thịnh… cùng bộ đôi ngoại binh Rafaelson, Jermie Lynch và gia hạn hợp đồng với Hồ Tấn Tài. Trong tay huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng đang có cả một dàn “sao”, nhưng để theo đuổi đến cùng cuộc đua vô địch vẫn sẽ là thách thức khi nhìn vào thực tế, hai mùa giải trước, câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng có sự đầu tư không hề kém cạnh, nhưng khi vào giải đội bóng chủ sân Thống Nhất lại liên tục bị hụt hơi và chỉ về đích ở vị trí khiêm tốn. Xa hơn nữa phải kể đến Hải Phòng, Thanh Hóa… cũng từng có những phi vụ đình đám trên thị trường chuyển nhượng, nhưng đều không gặt hái thành công.   

Trong cuộc đua đường trường ở V-League với tổng cộng 26 vòng đấu, các đội bóng không chỉ cần có đủ chiều sâu về lực lượng, bản lĩnh mà còn phải có sự gắn kết của một tập thể cùng mục tiêu, ý chí. Giá trị của một đội bóng không đơn thuần chỉ là phép cộng từ những bản hợp đồng đắt giá mà phải là sự gắn kết của các cá nhân để phát huy sức mạnh tập thể. Trong quá khứ, đã có không ít ông bầu không tiếc tiền đổ vào bóng đá. Ngoài việc quảng bá thương hiệu và đánh bóng tên tuổi, việc sở hữu đội bóng còn được coi là “thước đo” khẳng định đẳng cấp. Sự xuất hiện của các ông bầu, doanh nghiệp với cách làm mạnh bạo có thể làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của các đội bóng. Cầu thủ có thu nhập cao hơn, thậm chí “đổi đời” sau các phi vụ chuyển nhượng. Thế nhưng, mặt trái của dòng tiền đổ vào cuộc chơi bóng đá cũng mang đến nhiều hệ lụy, thấy rõ nhất là “cảnh đường ai nấy đi” chỉ sau một vài mùa giải.

Hy vọng, Topenland Bình Định mùa này sẽ không đi vào “vết xe đổ” của các đại gia từng gây náo động V-League bằng những bản hợp đồng chuyển nhượng trước mỗi mùa giải và lặng lẽ ra đi, cá biệt còn rơi vào cảnh “nằm sàn” sau vạch đích.

Việt Hưng

Nguồn: thethaovietnamplus.vn

spot_imgspot_img
spot_img

MỚI NHẤT

spot_img