Hotline: 0931 643 075      Email: ttvietnammedia@gmail.com

spot_img

V-League lại lẻ bóng

XEM NHIỀU NHẤT

spot_img

CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngay trước thềm mùa bóng 2022, câu lạc bộ Than Quảng Ninh đã chính thức bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) loại khỏi V-League sau quyết định tự giải thể. Như vậy, V-League 2022 chỉ còn 13 đội tham dự …

V-league 2022 sẽ chỉ còn 13 đội sau khi Than Quảng Ninh giải thể

Thực ra, câu lạc bộ Than Quảng Ninh đã có dấu hiệu khủng hoảng từ nhiều năm qua. Tại V-League 2020, dù phút chót được giải cứu nhờ sự can thiệp của lãnh đạo địa phương, nhưng tình cảnh của câu lạc bộ Than Quảng Ninh vẫn hết sức bấp bênh sau cơn biến động. Đặc biệt, sau khi nhà tài trợ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam rút lui, gánh nặng tài chính đổ dồn lên Công ty TNHH một thành viên Bóng đá Quảng Ninh, trong khi ngân sách địa phương chỉ phục vụ công tác đào tạo trẻ, còn khoảng chi phí khổng lồ lên tới 60 – 70 tỷ đồng/năm câu lạc bộ không thể kham nổi.

Câu lạc bộ Than Quảng Ninh, tiền thân là đội bóng thanh niên Hồng Quảng thành lập từ năm 1956 và là một trong những đội bóng có truyền thống lâu đời nhất Việt Nam. Mùa bóng 2014, đội bóng đất Mỏ trở lại giải Chuyên nghiệp và liên tục nằm trong top các đội bóng hàng đầu V-League nhờ nguồn đầu tư dồi dào từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và đội ngũ cổ động viên cuồng nhiệt. Cuối mùa giải 2020, dù lâm vào cảnh nợ nần và để nhiều cầu thủ trụ cột ra đi, nhưng thầy trò huấn luyện viên Phan Thanh Hùng vẫn nỗ lực vượt khó, thi đấu cực kỳ ấn tượng để lọt vào top 4. Trước khi V-League 2021 bị hủy bỏ, Than Quảng Ninh cũng đang tạm xếp ở vị trí thứ 3 chỉ sau đương kim vô địch Viettel và Hoàng Anh Gia lai.  

Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi thành tích thi đấu không thể giúp đội bóng đất Mỏ thoát khỏi cảnh vỡ nợ và “tan đàn xẻ nghé”. Sau khi nhà tài trợ chính – Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam rút lui, câu lạc bộ Than Quảng Ninh lập tức phải đối mặt với cơn khủng hoảng tài chính trầm trọng. Hàng loạt cầu thủ trụ cột bị thanh lý hợp đồng và buộc phải ra đi tìm bến đậu mới như Hai Long về Hà Nội, Hải Huy, Xuân Tú về Hải Phòng… trong bối cảnh câu lạc bộ phải tuyên bố dừng hoạt động và vừa bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) loại khỏi V-League 2022. Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp, Than Quảng Ninh sẽ phải xuống thi đấu ở giải hạng ba mùa bóng tới và chưa biết bao giờ mới có cơ hội quay trở lại sân chơi chuyên nghiệp.

Trên thực tế ở V-League hiện vẫn còn không ít câu lạc bộ được gắn mác chuyên nghiệp nhưng vẫn phải sống nhờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ địa phương và luôn đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính. Trong số 13 câu lạc bộ góp mặt ở V-League mùa tới, nhiều đội bóng cũng đang ở trong tình cảnh tương tự như Than Quảng Ninh khi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách địa phương, thường được biết đến dưới hình thức hỗ trợ kinh phí thông qua các tập đoàn, doanh nghiệp. Do không tự chủ được về tài chính nên hầu hết các câu lạc bộ đang phải sống nhờ vào nguồn kinh phí “bao cấp” từ các địa phương, đều phải hoạt động theo kiểu ăn đong từng mùa.

Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến cảnh nhiều câu lạc bộ bị xóa sổ hoặc phải giải thể khi bị các ông bầu, doanh nghiệp bỏ rơi như Ninh Bình, Xuân Thành Sài Gòn, Navibank, Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội… Mang tiếng hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp, nhưng ở V-League hiện tại chưa có câu lạc bộ nào tự chủ được về tài chính mà chủ yếu sống nhờ nguồn tài chính chu cấp của các ông bầu và cả kinh phí hỗ trợ đến từ các địa phương. Than Quảng Ninh chỉ là cái tên mới nhất rơi vào tình cảnh “tan đàn xẻ nghé” sau khi mất đi khoản kinh phí hỗ trợ từ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam trong bối cảnh, địa phương không thể lấy tiền ngân sách nuôi đội bóng.

V-League đã có hơn 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp với 5 nhiệm kỳ của VFF, thời gian đủ dài để định hình một nền bóng đá phát triển theo đúng chuẩn chuyên nghiệp, nhưng đến giờ vẫn chưa bước qua giai đoạn “quá độ” khi vẫn còn tới 2 câu lạc bộ chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cấp phép thi đấu chuyên nghiệp của AFC. Nếu cứ theo luật mà làm thì mùa bóng tới, những câu lạc bộ không đáp ứng được các điều kiện tham dự giải chuyên nghiệp như Bình Định, Sông lam Nghệ An sẽ không được dự V-League. Mặc dù trước mỗi mùa giải, Ban cấp phép của VFF đều phát đi thông điệp, sẽ siết chặt việc thẩm định, kiểm tra và cấp phép cho câu lạc bộ theo đúng tiêu chuẩn của AFC, nhưng thực tế chưa có câu lạc bộ nào phải “nghỉ chơi” vì không đáp ứng được các điều kiện đặt ra. Chính cách làm việc này đã dẫn đến tâm lý coi thường và thực tế, nhiều câu lạc bộ dù được đặc cách đã không thể trụ lại ở V-League như Than Quảng Ninh.   

Chuyện trong nhà, VFF còn có thể “mắt nhắm mắt mở” để các câu lạc bộ không đạt chuẩn chơi ở V-League cho đủ số lượng, nhưng với AFC thì không có ngoại lệ. Quảng Nam, Hà Nội FC từng dở khóc dở cười khi đăng quang ngôi vô địch V-League, nhưng vẫn không đủ tư cách tham dự các cúp châu Á vì không đạt chuẩn. Làm bóng đá chuyên nghiệp nửa vời nên dù đã 20 năm, nhưng V-League vẫn chưa xong giai đoạn quá độ bởi chính các câu lạc bộ không thể tự đứng trên đôi chân của chính mình, chưa nói tới chuyện ăn nên làm ra nhờ bóng đá.

Đan Phượng

Nguồn: thethaovietnamplus.vn

spot_imgspot_img
spot_img

MỚI NHẤT

spot_img