Hotline: 0931 643 075      Email: ttvietnammedia@gmail.com

spot_img

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn, làm rõ các vấn đề “nóng” liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19

XEM NHIỀU NHẤT

spot_img

CÙNG CHUYÊN MỤC

Sáng 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. 

Tại Phiên chất vấn các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng về giải pháp triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128/NQ-CP trên phạm vi toàn quốc; tổ chức cách ly F1 tại nhà; quản lý giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2; quản lý bệnh viện công; sản xuất kit xét nghiệm trong nước; phân bổ vaccine và tiêm vaccine cho trẻ em; đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, tránh chảy máu chất xám; nâng cao chất lượng công tác dự báo diễn biến dịch; tham mưu, triển khai chiến lược vaccine công bằng; giải pháp đột phá để giảm thiểu chênh lệch chất lượng giữa miền núi và đồng bằng; vấn đề cán bộ y tế sai phạm, vướng vào lao lý; nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế và những người trên tuyến đầu chống dịch; giải pháp bảo đảm an toàn khi mở cửa trở lại… 

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, 10/11/2021.

Không ngăn sông cấm trợ, cản trở đi lại nhưng phải bảo đảm an toàn 

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu vấn đề: Cử tri cho rằng từ trung tuần tháng 10/2021 đến ngày 10/11, sau khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, qua thực tiễn cho thấy do đẩy mạnh giao thương giữa các vùng và dòng người lao động và nhân dân từ TP.HCM cùng các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai ào ạt về quê. 

Từ đó, các tỉnh thành có người dân trở về từ vùng dịch đã phát sinh nhiều ổ dịch mới, con số tăng lên hằng ngày. Vùng xanh đã biến thành vùng vàng và vùng cam tăng lên rõ rệt, gây khó khăn, lúng túng cho chính quyền các tỉnh, thành trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt các địa phương kinh tế còn thiếu và yếu, độ che phủ vaccine còn thấp. 

Đại biểu đặt chất vấn, qua kinh nghiệm, bài học của 20 tháng phòng, chống dịch, với cương vị là tư lệnh ngành y tế, Bộ trưởng cảm nhận về trách nhiệm của mình về vấn đề mà cử tri nêu ra như thế nào? Đồng thời có giải pháp gì trong thời gian tới với phương châm thích ứng, sống chung với dịch, vì mục tiêu cao cả là bảo vệ sức khỏe nhân dân và ổn định, phục hồi kinh tế xã hội cho đất nước?  

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, sau khi chúng ta chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đối với dịch COVID-19 và lượng người di chuyển từ địa bàn có dịch đến các tỉnh, thành phố rất nhiều. 

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo, khoảng 1,6 triệu người lao động đi từ những địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về các địa phương, đặc biệt khu vực phía Tây và đối với các tỉnh Tây Nguyên. Hiện giờ cũng đã có hiện tượng di chuyển ngược lại. 

Đối với vấn đề này, từ quản lý về việc di chuyển, phòng, chống dịch cho việc di chuyển của người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã có rất nhiều chỉ đạo liên quan, đảm bảo người dân được di chuyển an toàn và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch đối với việc di chuyển của người dân. 

Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn cũng đã tham mưu và đồng thời cũng đã có công điện đối với các địa phương cho việc phòng, chống dịch đối với người di chuyển rời đi từ Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP Hồ Chí Minh,… 

Khi đi về các địa phương, đây là nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ và Bộ đã có chỉ đạo phải xét nghiệm, cách ly, theo dõi, giám sát y tế một cách chặt chẽ. 

Tuy nhiên, số lượng người dân rất lớn đối với khu vực này, vì vậy Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện theo tinh thần chung của Nghị quyết 128, không ngăn sông cấm chợ, không có cản trở việc đi lại nhưng phải đảm bảo đối với công tác phòng, chống dịch khi người dân trở về địa phương của mình, nếu có kế hoạch đưa đón thì tốt nhất. Trên cơ sở đó có kế hoạch phòng, chống một cách rất hiệu quả, theo dõi, giám sát để y tế, đối với một số trường hợp có thể cách ly phù hợp với các địa phương để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. 

Kiểm soát, quản lý rủi ro 

Bộ trưởng nhấn mạnh, khi chúng ta chuyển sang trạng thái an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì không thể không có ca nhiễm nhưng chúng ta phải kiểm soát và quản lý rủi ro. Quản lý rủi ro ở đây là quản lý nguy cơ có thể tăng nặng bệnh và gây ra tử vong. 

Chính vì vậy, trong Nghị quyết 128 đã nêu rất rõ là các địa phương phải tăng độ bao phủ vaccine cho người trên 65 tuổi, trên 50 tuổi. Đồng thời, phải củng cố hệ thống y tế để đảm bảo khi bệnh nhân mắc và bị nặng, y tế cơ sở có thể cấp cứu và điều trị kịp thời. 

Theo Bộ trưởng: Đây điều mà tất cả các nước trên thế giới đã thực hiện, đã triển khai trong thời gian qua và chúng ta cũng tương tự như vậy. 

Các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn phải được kiểm toán 

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu một số vấn đề: Thứ nhất là theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập thì có một số việc rất quan trọng. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập như các bệnh viện nếu đã tự chủ hoàn toàn thì được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm báo cáo về tài chính, hoặc là kiểm toán nhà nước hoặc là kiểm toán độc lập phải làm việc này. Vậy chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa, hay là đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”?  

Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Bộ là một chuyện, nhưng vấn đề nữa đó là về chế độ kế toán và kiểm toán đối với các đơn vị này. Trong Nghị quyết 19 nói rất rõ là phải thực hiện quản lý và hạch toán như doanh nghiệp. 

Nên những trường hợp ví dụ như là liên kết đặt máy rồi mua bán thuốc, vật tư, thiết bị y tế là hàng năm bệnh viện công nhà nước sẽ được kiểm toán và những đơn vị đã hạch toán như doanh nghiệp tự chủ hoàn toàn thì phải kiểm toán và công khai việc này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra lại việc này. 

Thống nhất quản lý y tế cấp huyện 

Một vấn đề nữa là các đơn vị y tế cấp huyện, tuy là không ghi trực tiếp trong Nghị quyết nhưng trong đề án đã nói rõ tất cả các điều này là chuyển về cho địa phương, ngành y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn thôi. Bởi vì không ai khác là ở cấp huyện rất thành thạo về vấn đề con người, về nhân sự, quản lý về đất đai, quản lý tất cả mọi thứ trên địa bàn và Chính phủ khóa trước cũng đã có chủ trương về vấn đề này rồi. 

Vậy tại sao bây giờ chúng ta lại làm rất là khác nhau và qua cái đợt chống dịch này thì vấn đề này lại bộc lộ ra? Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề và đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình vấn đề này. Dù đã 4, 5 năm làm việc này rồi nhưng cho đến nay vẫn còn rất không thống nhất giữa các địa phương với nhau. Đây là vấn đề rất lớn mà qua vấn đề phòng, chống dịch thì năng lực của y tế cơ sở càng bộc lộ. 

“Chúng tôi rất mong muốn đại biểu Quốc hội đi đến thống nhất để trong lần này Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn chúng ta có nội dung này. Hoặc là vẫn để cho ngành y tế thì cho ra ngành y tế hoặc nếu chúng ta chuyển về cho địa phương thì dứt khoát là phải thống nhất trên phạm vi toàn quốc”, chủ tịch Quốc hội nêu rõ và đề nghị Bộ trưởng Nội vụ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải nói rõ quan điểm về vấn đề này. 

Giá xét nghiệm sẽ được điều chỉnh 

Cơ bản thống nhất với những ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về quản lý giá xét nghiệm, tuy nhiên theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trong thời gian qua, Bộ Y tế dường như buông lỏng giá xét nghiệm. Vì vậy, dẫn đến tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi địa phương đều có giá khác nhau. 

Mặc dù, giá kit xét nghiệm nhập về có chênh lệch giá, doanh nghiệp này nhập vào cao hơn, doanh nghiệp khác thì có thể thấp hơn nhưng Bộ Y tế lại không quản lý giá. Đại biểu cho rằng đây là một thiếu sót, thời gian qua người dân rất phàn nàn về điều này. 

Tới đây, Bộ Y tế đã có quy định mới, tuy nhiên, không biết giá này có tham khảo với Bộ Tài chính hay không? Do đó, đại biểu đề nghị phải rất cẩn trọng để có một sự kiểm tra, giám sát, tránh trường hợp thiếu sự đồng bộ.  

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, giá xét nghiệm phụ thuộc nhiều vào giá sinh phẩm. Tuy nhiên, sinh phẩm lại không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật Giá và đây chính là điểm khiến cho giá có sự khác nhau. 

Theo Bộ trưởng, đối với giá xét nghiệm của các đơn vị y tế công lập thực hiện theo quy định của Bộ Y tế là thực thanh thực chi; đối với các đơn vị y tế tư nhân, giá là do đơn vị tự chịu trách nhiệm nhưng phải niêm yết, phải công khai. 

Bộ trưởng xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, để trên cơ sở đó cùng với các đơn vị chức năng đưa ra những hình thức tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị đối với các địa phương cũng tăng cường việc kiểm tra, giám sát và cho biết Bộ Y tế đã có văn bản gửi cho các địa phương đối với việc này. 

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Y tế đã nhận thấy trách nhiệm và đã triển khai các giải pháp rất quyết liệt trong thời gian qua. Bộ Y tế cũng đã đề xuất đưa mặt hàng về sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng về quản lý giá. Bộ trưởng khẳng định: Tới đây chắc chắn rằng việc giá xét nghiệm sẽ từng bước được điều chỉnh theo hướng cố gắng hạ được giá xét nghiệm để bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả. 

Tách riêng quản lý chuyên môn và tài chính để ngăn ngừa các sai phạm

Về vấn đề liên quan đến tách riêng giữa quản lý chuyên môn và quản lý kinh tế đối với Giám đốc bệnh viện, để ngăn ngừa các sai phạm. 

Bộ trưởng nhấn mạnh đây là vấn đề được cử tri và ngành y tế hết sức quan tâm. Những sai phạm về đấu thầu, mua sắm, liên quan đến một số cá nhân trong ngành y tế thời gian qua là rất đáng tiếc. Tuy nhiên, đây là một vài trường hợp không ảnh hưởng lớn đến ngành. Những trường hợp có vi phạm, sai phạm phải xử lý theo những quy định về mặt pháp luật. 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Khi chúng ta chuyển sang trạng thái an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì không thể không có ca nhiễm nhưng chúng ta phải kiểm soát và quản lý rủi ro. 

Theo Bộ trưởng, việc quản lý nhân sự quản lý của các cơ sở y tế được thực hiện theo các quy định của Đảng, Nhà nước đối với các đơn vị về sự nghiệp công, trong đó có quy định về giám đốc và các phó giám đốc bệnh viện. Theo Luật Khám, chữa bệnh và theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ cũng đã cố gắng tách bạch riêng giữa người quản lý chuyên môn và người quản lý về mặt tài chính. 

Bộ Y tế quản lý về mặt chuyên môn, kỹ thuật đối với các bệnh viện trên toàn quốc, còn các địa phương, theo thẩm quyền, UBND cấp tỉnh, thành phố thực hiện quản lý tổ chức y tế theo địa bàn và quản lý nhân sự, tài chính,… Việc này, Bộ Y tế cũng không chỉ đạo được. 

Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan để minh bạch hóa toàn bộ quá trình, xây dựng các quy định, thể chế để cố gắng ngăn ngừa, hạn chế tối đa xảy ra những việc đáng tiếc như trong thời gian qua. 

Về sai phạm, vi phạm kinh tế tại bệnh viện khiến một số cán bộ y tế bị xử lý trong thời gian qua, nhất là trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ, đây là vấn đề rất đau lòng, bên cạnh nguyên nhân chủ quan, có những nguyên nhân khách quan. 

Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản để quy định, hướng dẫn trong lĩnh vực này; thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch, để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm.  

Đối với các trường hợp để xảy ra sai phạm, dù đau đớn, nhưng tinh thần là phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. 

Về nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế hết sức quan tâm và mong muốn chủ động được nguồn vaccine trong nước. Tuy nhiên, việc cấp phép sản xuất vaccine trong nước phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Y tế đã cố gắng để giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính nhưng về mặt khoa học thì phải tuân thủ. 

Bộ Y tế đã thành lập 2 hội đồng (Hội đồng Y đức và Hội đồng cấp phép). Các hội đồng này hoạt động độc lập với Bộ trưởng. Được biết, thời gian qua các hội đồng đã phối hợp rất chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất để hoàn thiện hồ sơ cấp phép theo quy định. Thời gian cụ thể phải chờ đợi kết quả từ 2 hội đồng.  

Dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp 

Về dự báo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là công việc rất khó khăn, khó thực hiện, do virus liên tục biến chủng, đại dịch chưa có tiền lệ, diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp… 

Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm hiện nay, tất cả các nước trên thế giới hầu hết chưa có dự báo mang tính dài hạn. Tổ chức Y tế thế giới chỉ đưa ra khuyến cáo chung là đại dịch COVID-19 không thể kết thúc trong năm 2022 mà phải có thể đến năm 2023. Lúc đó hy vọng dịch COVID-19 sẽ thành một bệnh theo mùa, bệnh đặc hữu. 

Một số nước cũng đưa ra những dự báo mang tính ngắn hạn bởi vì đại dịch lần này xuất hiện chưa có trong tiền tệ và liên tục có biến chủng, thay đổi liên tục. Trước đây chủng gốc với tốc độ lây lan ở mức độ vừa phải, nhưng khi biến chủng delta xuất hiện thì tốc độ lây lan rất nhanh, mạnh. Vì vây, việc dự báo là rất khó khăn và khó thực hiện. 

Trong Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội và báo cáo với Trung ương, chúng tôi đã nhìn nhận một cách rất thẳng thắn vấn đề về tồn tại những yếu kém trong việc dự báo tình hình ở một số địa phương chưa đúng, chưa sát với thực tế.  

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp, tham khảo tư vấn của các tổ chức quốc tế trong công tác này; đồng thời yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine; Bộ trưởng đề nghị người dân phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K để phòng chống dịch. 

Về dự báo từ nay đến hết năm 2022, Bộ trưởng cho rằng tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Chúng ta gần như trở lại trạng thái bình thường mới nên đã xuất hiện tâm lý chủ quan, đặc biệt là một bộ phận người dân đã không áp dụng những biện pháp, khuyến cáo của cơ quan y tế. 

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác nữa đó là vấn đề về thời tiết, nhất là đối với khí hậu lạnh ở miền Bắc, hay khi Tết đến có những hoạt động tập thể đông người. Đây là điểm rất quan ngại đối với tình hình dịch từ nay đến cuối năm. 

Các địa phương phải hết sức quan tâm tới vấn đề về phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm và đến năm 2022, đầu năm 2022; tăng cường phủ vaccine càng nhanh càng tốt để giảm các ca mắc và tử vong vì COVID-19. Công tác phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm 2022 vẫn là trong những trọng tâm trọng điểm và phải là ưu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

PT (t/h)

Nguồn: thethaovietnamplus.vn

spot_imgspot_img
spot_img

MỚI NHẤT

spot_img